Nhà giáo duy nhất trong lịch sử Việt Nam có 2 học trò làm hoàng đế, làm thầy của các hào kiệt
Trong lịch sử Việt Nam có nhiều nhà giáo tài giỏi, nổi tiếng “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, nhưng người có đến 2 học trò làm hoàng đế thì chỉ có người này.
Khi nói đến nhà giáo nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, nhiều người sẽ nghĩ đến Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn hay Nguyễn Đình Chiểu… Nhưng người duy nhất có đến 2 học trò làm hoàng đế lại là một nhân vật khác, ít được biết đến hơn – Trương Văn Hiến. Thầy Trương Văn Hiến là người Hoan Châu (Hà Tĩnh), trong cơn loạn lạc, ông bị kẻ thù truy đuổi và phải chuyển vào Bình Định sinh sống. Cũng tại mảnh đất này, Trương Văn Hiến đã gặp gỡ những người học trò hào kiệt của mình.
Nhờ học rộng biết nhiều, uy tín cao nên khi mở lớp dạy học tại Bình Định, thầy Trương Văn Hiến được rất nhiều học trò đến xin học. Trong đó có “Tây Sơn tam kiệt”.
Chuyện kể rằng nghe tiếng thầy Trương Văn Hiến giỏi cả văn lẫn võ, ông Hồ Phi Phúc đã đưa 3 cậu con trai đến theo học. Ba người con ấy sau này đổi sang họ Nguyễn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Họ là linh hồn của phong trào Tây Sơn. Trong quá trình dựng nghiệp, ba anh em Tây Sơn mời thầy Trương Văn Hiến làm quân sư nhưng ông chỉ góp ý chứ không trực tiếp tham gia.
3 người học trò tài giỏi của thầy Trương Văn Hiến sau này đều là tên tuổi lớn. Trong đó có 2 hoàng đế là Nguyễn Nhạc (Thái Đức hoàng đế) và Nguyễn Huệ (Quang Trung hoàng đế). Người còn lại là Nguyễn Lữ cũng xưng vương (Đông Định vương). Có tài liệu cho biết con rể của Nguyễn Nhạc là Trương Văn Đa chính là con trai của thầy Trương Văn Hiến.
Thầy Trương Văn Hiến không chỉ dạy “Tây Sơn tam kiệt” mà còn đào tạo rất nhiều tên tuổi lớn của nhà Tây Sơn như Võ Văn Dũng (sau này là quan Tư đồ, đứng đầu thất hổ tướng của Tây Sơn); Đặng Văn Long và Phan Văn Lân (tướng góp công trong chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa 1789). Về mảng quan văn, ông có các học trò nổi tiếng như Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Văn Danh, Trương Văn Đa.