Đời sống

Hai NSND từng làm Thứ trưởng, nghỉ hưu vẫn giữ chức vụ quan trọng, nghe tên ai cũng nể trọng

Hai NSND này từng đảm nhận chức Thứ trưởng bộ VHTTDL. Sau khi về hưu, họ vẫn giữ chức vụ quan trong ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật. Tên tuổi của cả hai có sức ảnh hưởng rất lớn đến nền nghệ thuật Việt Nam.

Trong số các nghệ sĩ gạo cội được phong NSND ở phía Bắc, có 3 người từng làm đến chức Thứ trưởng Bộ VHTTDL. Trong đó, 2 người sau khi nghỉ hưu còn giữ những chức vụ quan trọng là: NSND Lê Tiến Thọ và NSND Vương Duy Biên.

NSND Lê Tiến Thọ

NSND Lê Tiến Thọ (SN 1951, quê Thanh Hóa) nổi danh trong làng sân khấu Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em. Năm 13 tuổi, NSND Lê Tiến Thọ thi tuyển vào văn công và bắt đầu xa nhà học Tuồng. Ông tốt nghiệp loại ưu ở trường Sân khấu Việt Nam, trở thành một diễn viên của Đoàn Tuồng Bắc Trung ương. Sau này ông có cơ hội được học Tuồng của các người thầy nổi tiếng như Nguyễn Nho Túy, Đinh Quả, Sáu Lai, Ngô Thị Liễu… Người nghệ sĩ này có thể thông thạo, am hiểu cả hai dòng Tuồng miền Bắc và miền Trung.

15 năm công tác ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ không ngừng khổ luyện và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả nhờ những vai diễn như: Triệu Đình Long, Kim Lân, Đào Phi Phụng, Lý Phụng Đình, Tô Vũ, Tư Đồ, Triệu Khuông Dẫn…

nsnd-1
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ. Ảnh: FBNV

Không chỉ vậy, NSND Lê Tiến Thọ còn tham gia các vở kịch nổi tiếng thế giới, đóng phim điện ảnh. Sau này ông nhận vô số giải thưởng lớn nhỏ, trở thành tên tuổi lão làng, được nể trọng trong làng nghệ thuật Việt Nam.

NSND Lê Tiến Thọ từng làm Thứ trưởng bộ VHTTDL nhiệm kỳ 2003 – 2011. Tính đến hiện tại, người nghệ sĩ này vẫn là NSND duy nhất từng trải qua 2 nhiệm kỳ làm Thứ trưởng Bộ VHTTDL. Trước đó, ông từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng khác như: Giám đốc Nhà hát Tuồng (1996), Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn (2003). Đến tận khi nghỉ hưu, NSND Lê Tiến Thọ vẫn cống hiến cho nghệ thuật khi giữ chức Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong 10 năm (2009 – 2019).

nsnd-2
Nghệ sĩ Lê Tiến Thọ và vợ là nghệ sĩ Vũ Thúy Ten. Ảnh: FBNV

Có thể nhiều người chưa biết, NSND Lê Tiến Thọ chính là người trẻ tuổi nhất được phong NSƯT đợt đầu tiên vào năm 1994. Khi đó ông chỉ mới 30 tuổi. Điều đáng nể phục hơn, 9 năm sau, khi chưa đầy 40 tuổi, người nghệ sĩ này lại vinh dự được phong NSND.

NSND Vương Duy Biên

NSND Vương Duy Biên (SN 1958), xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật khi có bố là nhà phê bình mỹ thuật Vương Như Chiêm – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mẹ là nhà báo, nhà văn Lý Thị Trung – Nguyên TBT báo Phụ nữ Thủ đô. Ông được tiếp xúc với nghệ thuật từ sớm và mau chóng bộc lộ tài năng.

NSND Vương Duy Biên từng học ở trường Mỹ thuật Việt Nam 10 năm (5 năm học Điêu khắc, 5 năm học Hội họa). Năm 1987 ông tốt nghiệp, chỉ 2 năm sau đã gây tiếng vang tại Cuộc thi Mẫu tượng Trần Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại Nam Định. Sau sự kiện đó, người nghệ sĩ này đã dốc lòng cho nghệ thuật ở các thể loại như điêu khắc, hội họa, nghệ thuật trình diễn rối, nghệ thuật sắp đặt…

nsnd-4
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên thời còn làm Thứ trưởng Bộ VHTTDL. Ảnh: FBNV

Không chỉ vậy, NSND Vương Duy Biên còn rất tâm huyết với rối nước. Ông chính là đạo diễn vở múa rối “Hồn quê”, kết hợp tài tình giữa rối nước truyền thống và nghệ thuật sắp đặt hiện đại. Tháng 12/2019, NSND Vương Duy Biên là tổng đạo diễn Lê hội Múa rối TP.HCM lần 2 với chủ đề “Ước mơ xanh”.

Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, NSND Vương Duy Biên đã làm ra nhiều tác phẩm để đời, trong đó phải kể đến bức tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tại Nam Định kể trên và tượng đài Bác Hồ với miền Nam tại Phú Quốc, Kiên Giang. Phải nói thêm, đã gần 20 năm trôi qua nhưng bức tượng Trần Quốc Tuấn của người nghệ sĩ này vẫn là “khuôn mẫu” của nhiều người khi hình dung về vị tướng tài ba hàng đầu đất nước.

nsnd-3
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên bên cạnh tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc. Ảnh: FBNV

NSND Vương Duy Biên là Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhiệm kỳ 2012 – 2018. Ông phụ trách lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật. Đơn vị ông trực tiếp phụ trách gồm: Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Khối các Nhà hát, Khối Triển lãm, các đơn vị sự nghiệp Điện ảnh. Trước đó, người nghệ sĩ này từng là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương.

Năm 2015, NSND Vương Duy Biên được phong tặng danh hiệu NSND nhờ những đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật nước nhà. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn cống hiến với vai trò Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Triều Tiên.