Đời sống

Bảo vật quốc gia 700 năm tuổi ở chùa Phổ Quang là gì? Bộ Văn hóa có yêu cầu khẩn cấp sau vụ cháy kinh hoàng

Sau vụ cháy, Bộ Văn Hóa – Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Phú Thọ, đề nghị khẩn trương kiểm tra thực tế, có biện pháp bảo vệ Bảo vật Quốc gia ở chùa Phổ Quang.

Chùa Phổ Quang là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở thời điểm hiện tại. Vụ cháy kinh hoàng ở đây khiến dư luận cả nước không khỏi xót xa. Không chỉ đơn giản là một địa điểm tâm linh, chùa Phổ Quang còn là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nơi lưu giữ nhiều cổ vật giá trị và cả Bảo vật quốc gia – Bàn thờ Phật bằng đá từ thời Trần.

chua-pho-quang-3
ình ảnh chùa Phổ Quang sau khi được lực lượng chức năng dập tắt đám cháy. Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Chùa Phổ Quang có tên gọi khác là chùa Xuân Lũng. Nơi đây được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 92-VHTT/QĐ ngày 10/7/1980 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

chay-chua-pho-quang-2
Chùa được xây dựng vào khoảng đầu thời Trần, trải qua nhiều lần tu sửa. Lần tu sửa lớn nhất vào năm 1626 và lần gần đây nhất vào tháng 4/2021. Ảnh: Internet

Chùa Phổ Quang được xây vào thế kỷ 14, thuộc hệ phái Bắc tông. Nơi đây lưu giữ, bảo quản nguyên vẹn những nét độc đáo trong kiến trúc thời Trần với kiểu xây dựng chữ “Công”, lợp ngói, có hai cấp chùa. Chùa cấp trên cao 10 m, dọc 7 m, gồm ba gian, có một cửa ra vào từ nhà tổ lên chùa. Chùa cấp dưới ngang 16 m, dọc 13,5 m, gồm 5 gian. Giữa chùa có bức đại tự và hai câu đối.

Chùa Phổ Quang có một tấm bia đá được tạo từ năm 1628, cho biết chùa này từng bị hỏng và được trùng tu vào năm 1626. Ngoài ra còn một tấm bia khác niên đại năm 1634, có khắc bài thơ Đường luật 8 câu của Phạm Sư Mạnh (năm 1377) nói về việc đi kinh lý ở vùng đất này.

chay-chua-pho-quang-5
Hình ảnh ngôi cổ tự trước khi xảy ra đám cháy lớn. Ảnh: Internet

Sau hàng trăm năm, chùa Phổ Quang thực tế đã xuống cấp trầm trọng. Chính vì vậy mà tháng 4/2016, UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích chùa Phổ Quang. Hạng mục gác chuông nằm trong dự án tu bổ, tôn tạo này, được hoàn thành năm 2018 với tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng.

Tháng 4/2021, hơn 11 tỷ đồng đã được đầu tư để UBND xã Xuân Lũng cùng nhân dân tu bổ, tôn tạo hạng mục tam bảo và nhà bia. Đáng tiếc, sau vụ cháy mới đây, tòa tam bảo ở chùa Phổ Quang đã bị thiêu rụi.

chay-chua-pho-quang-3
Chùa Phổ Quang có niên đại hơn 800 năm. Ảnh: Internet

Tam quan – gác chuông của chùa Phổ Quang cũng là một công trình kiến trúc tiêu biểu. Chuông đồng của chùa được đúc từ năm 1839. Hàng năm ngôi chùa này còn có 4 ngày lễ chính vào dịp Rằm tháng Giêng, ngày 8/4 (lễ tắm Phật), Rằm tháng 7 và ngày 8/12 âm lịch.

Trong chùa Phổ Quang, Bảo vật quốc gia là bàn thờ Phật bằng đá hoa sen, có niên đại 700 năm tuổi. Bàn thờ Phật này tạc vào năm 1388, dưới triều đại vua Trần Phế Đế. Bệ đá có hình hộp chữ nhật, cao hơn 1 mét, gồm 71 phiến đá xanh ghép lại với nhau. Trên đó, cánh sen được cách điệu chiếm vị trí chủ đạo, 4 góc bệ ở tầng thứ ba có 4 linh điểu. Tác phẩm này có giá trị nghệ thuật sâu sắc, hiếm hoi còn lại của thời Trần. Bệ đá được ghi nhận có nhiều họa tiết liên quan đến Phật giáo, mô tả cuộc sống của người dân vùng Trung du miền núi Bắc bộ.

chay-chua-pho-quang-4
Bàn thờ Phật bằng đá hoa sen tại chùa Phổ Quang. Ảnh: Internet
chua-pho-quang-2
Bệ đá hoa sen - Bảo vật Quốc gia đã bị hư hỏng. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa

Dựa trên giá trị lịch sử, ý nghĩa đặc biệt đó, ngày 25/12/2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang là bảo vật quốc gia.