Sinh vật ‘bất tử’, khó hủy diệt nhất Trái đất: Có thể lai với loài người, chỉ biến mất khi Mặt trời nổ tung
Năm 1702, nhà khoa học người Hà Lan Anton van Leeuwenhoek phát hiện ra một vi động vật sống trong bùn, có trên máng xối của nóc nhà. Ông đã gửi thư đến Hiệp hội Hoàng gia (Anh) ở London. Loài vi động vật này sau đó được đặt tên là bọ gấu nước.
Thời điểm đó, bọ gấu nước không được chú ý quá nhiều. Đến hơn 7 thập kỷ sau, một tu sĩ kiêm nhà khoa học người Ý Lazzaro Spallanzani đã đưa chúng nổi tiếng cả thế giới. Bọ gấu nước được cho là sở hữu “siêu năng lực”. Cơ thể nhỏ bé của chúng có cấu tạo đặc biệt, có thể chịu đựng điều kiện khắc nghiệt nhất. Sinh vật này sống rất dai, khó hủy diệt bậc nhất Trái đất.
Ở môi trường không có nước, bọ gấu nước có thể giả chết. Đưa chúng vào nơi có nhiệt độ cực thấp chỉ -200 độ C, hay cao ngất đến 151 độ C cũng chẳng thấy hề hấn gì. Nhưng ngay sau đó, được đưa trở lại nước, bọ gấu nước lại cử động rồi quay về trạng thái bình thường.
Tiến sĩ Thomas Boothby của Đại học Bắc Carolina cho biết, bọ gấu nước gần như bất tử bởi chúng mang gene đặc biệt, có thể tồn tại bất chấp điều kiện sống khắc nghiệt.
Năm 2017, một nghiên cứu cho thấy bọ gấu nước có cấu tạo gồm các protein đặc biệt. Chúng có thể phong tỏa các thành phần tế bào dễ tổn thương, tránh để màng, protein và ADN bị phá hủy. Nhờ vậy mà loài này có thể sống sót bất chấp bị đóng băng, đun sôi hay khô hạn. Thậm chí áp suất lên đến 600 megapascal (gấp 6 lần áp suất đáy biển) cũng không nề hà gì với bọ gấu nước. Với các sinh vật bình thường khác, rơi vào môi trường có mức áp suất như vậy chỉ có thể bỏ mạng.
Để thử thách độ “sống dai” của bọ gấu nước, các nhà khoa học còn đưa chúng lên vũ trụ, cho tiếp xúc trực tiếp với bức xạ Mặt trời và tia gama. Thế nhưng kết quả vẫn vậy, chúng vẫn sống tốt. Loài này chẳng những chịu được bức xạ mà còn tự sửa chữa lại ADN, có thể phục hồi nhanh chóng trước tác động của bức xạ. Vì vậy mà giới khoa học tin rằng bọ gấu nước sẽ chỉ biến mất hoàn toàn nếu Mặt trời nổ tung mà thôi.
Sức sống mãnh liệt của bọ gấu nước là điều khiến mọi loài ghen tị. Cũng vì vậy mà đã có ý tưởng nghiêm túc về việc hòa trộn DNA của con người với bọ gấu nước. Nhà di truyền học Chris Mason của Đại học Weill Cornell (Mỹ) đã đề xuất nó. Theo ông, sự hòa trộn DNA của cả hai sẽ giúp loài người chống lại những điều kiện cực đoan của vũ trụ, từ đó dễ dàng thám hiểm ngoài hành tinh hơn.
5 loài vật ‘trường sinh bất lão’, có khả năng ‘cải lão hoàn đồng’: 1 loài là linh vật của Việt Nam
Nếu so sánh với tuổi thọ của con người, những loài dưới đây chẳng những sống cực lâu mà có loài còn có thể “trẻ hóa”.