Danh tính 'cha đẻ' của môn võ Vovinam đang được 2 triệu người trên 70 quốc gia theo học
Vovinam hay còn gọi là Việt Võ Đạo, đây là môn võ thuật của Việt Nam được sáng lập vào năm 1936 bởi võ sư Nguyễn Văn Lộc, chính thức được giới thiệu ra công chúng giai đoạn 1938-1938. Tên gọi quốc tế Vovinam của cụm từ “võ Việt Nam”.
Các giai đoạn hình thành của Vovinam
Vovinam được phát triển dựa trên các môn võ truyền thống như Vật Cổ Truyền Việt Nam, kết hợp tinh hoa võ phái đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… với nguyên lí cương nhu phối triển. Các võ sinh Vovinam được tập luyện các đòn thế tay không ( đấm, đá, gối, chỏ, vật, khóa, siết) kết hợp với đa dạng binh khí như kiếm, đao, dao, quạt, mã tấu, côn, …
Môn Vovinam tổ chức các nội dung thi đấu đối kháng theo từng điều lệ giải, các võ sĩ thi đấu sử dụng găng giáp bảo hộ (đầu, thân), các tình huống ghi điểm dựa trên kĩ thuật đấm, đá, đánh ngã (các đòn chân tấn công) theo các vùng-tình huống ghi điểm quy định trong luật. Bên cạnh là các kĩ thuật đặc trưng thể hiện qua những bài quyền biểu diễn.
Mặc dù hình thành sớm từ những năm 1930, nhưng mãi tới giai đoạn 1970, Vovinam mới có sự phát triển mạnh mẽ bởi các võ sĩ trong nước và quốc tế. Đến năm 2007, Liên đoàn Vovinam Việt Nam được thành lập. Các liên đoàn Vovinam khu vực, châu lục vào thế giới bắt đầu ra đời trong khoảng 5-10 năm sau đó, đánh dấu những bước nhảy vọt của môn võ Việt Nam này.
Tới nay, với khoảng hơn 2 triệu môn sinh trên gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, Vovinam đang được phát triển rộng rãi trên toàn thế giới.
'Cha đẻ' của Vovinam
Theo Hội Kỷ Lục Gia Việt Nam: “Ông Nguyễn Lộc sinh ngày 08 tháng 4 năm Nhâm Tý (1912) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội). Ông là trưởng nam trong một gia đình có 5 anh chị em (3 trai và 2 gái). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Đình Xuyến và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hòa.”
Sinh ra và lớn lên trong thời kì kháng chiến chống thực dân lên cao, Ông đã ý thức được việc muốn đưa tinh thần dân tộc đến chỗ thành tựu, cần phải tạo cho thanh niên một tinh thần dân tộc, một ý thức học tập trau dồi, một ý chí sắc bén quật cường, một nghị lực bất khuất không ngại gian khó, đi cùng đó là một thân thể khỏe mạnh, vững chắc, với sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ, và khả năng tự vệ hữu hiệu.
Mang theo khát vọng hoài bão lớn lao ấy, nên ngoài việc trau dồi đạo đức vào học vấn. Ông liên tục nghiên cứu nhiều môn võ thuật khác nhau, liên tục tập luyện và học hỏi từ những môn võ ấy. Mặc dù môn võ nào cũng có những ưu điểm, đặc điểm riêng, song với thể trạng nhỏ bé của người Việt Nam thì sẽ khó đạt được kết quả như ý, nếu chỉ đem phổ biển một phương pháp duy nhất nào đó. Hơn nữa, trong mọi cuộc chiến, hai yếu tố quan trọng để quyết định thành bại chính là tinh thần và danh dự.
Với những quan điểm đó, ông Nguyễn Lộc đã tìm tòi học hỏi, nghiên cứu từ môn vật và võ cổ truyền Việt Nam, kết hợp với các tinh hoa võ thuật trên thế giới để sáng tạo nên một môn phái của riêng người Việt, đó chính là Vovinam. Đến năm 1938, cuộc nghiên cứu đã hoàn tất, ông đem Vovinam huấn luyện cho một số thân hữu cùng lứa tuổi để thể nghiệm cho môn võ mình mới sáng tạo ra.
Hơn một năm sau, mùa thu 1939, Ông đem lớp võ sinh đầu tiên công khai ra mắt dân chúng tại Nhà Hát lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ nên Hội Thân hữu Thể dục mời ông cộng tác, tổ chức những lớp võ cho thanh niên Hà Nội. Lớp đầu tiên được khai giảng vào mùa xuân năm 1940 tại trường sư phạm Hà Nội.
Năm 1954, Ông cùng một số môn đệ tâm huyết di cư vào Nam và mở trường dạy Vovinam tại đường Thủ Khoa Huân Sài Gòn và một số nơi khác.
Ông Nguyễn Lộc mất ngày mùng 4 tháng 4 năm Canh Tý (29/04/1960) tại Sài Gòn, sau khi ủy thác quyền lãnh đạo môn phái cho người môn đồ tâm huyết là Võ sư Lê Sáng, Chưởng môn Vovinam.
Ông đã để lại một sự nghiệp võ học lớn lao cho các thế hệ sau này. Với sự biết ơn suốt cuộc đời tận tụy, hy sinh để góp phần xây dựng môn võ đạo dân tộc Việt Nam của ông, hàng năm, những môn đồ kế nghiệp từ bốn phương trời hướng về ngày giỗ ông – bậc thầy của một môn phái võ đạo dân tộc để đốt nén hương tưởng niệm, đặt bàn tay thép lên trái tim từ ái, cùng cúi đầu, thầm nhắc nhở: cố gắng luyện tập võ thuật, rèn luyện cơ thể, trau dồi tinh thần võ sĩ đạo để phát triển môn phái ngày càng vững mạnh, trường tồn, góp phần minh danh dân tộc Việt Nam với thế giới.
'Cha đẻ' của súng không giật chống tăng đầu tiên của Việt Nam: Chế tạo loạt vũ khí 'Made in VN'
Giáo sư đã nghiên cứu và chế tạo ra súng không giật chống tăng đầu tiên của Việt Nam được mệnh danh là “Ông Phật làm súng”, "Ông Vua vũ khí" của nước ta.