Đời sống

Chiến sĩ tình báo 'có một không hai' của Việt Nam: Bí ẩn, đến khi hy sinh vẫn không lộ danh tính

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam không chỉ diễn ra ở ngoài mặt trận mà còn ở ngay trong lòng địch. Đó là nơi những tình báo xuất sắc nhất của quân đội ta âm thầm lập nên những chiến công!

Đáng nói, trong lịch sử tình báo của Việt Nam, có 1 chiến sĩ tình báo được mệnh danh là điệp viên "có một không hai" khi ông đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc đến mức không bị địch phát hiện danh tính thật sự cho đến khi hy sinh.

Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo là điển hình cho 1 điệp viên có khả năng “luồn sâu, leo cao” thâm nhập vào cơ quan đầu não địch.

Đại tá Phạm Ngọc Thảo khi hoạt động trong hàng ngũ của kẻ thù. 

Phạm Ngọc Thảo (1922–1965) còn có tên gọi khác là Albert Thảo. Ông là 1 cán bộ tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam, hoạt động dưới vỏ bọc như là 1 sĩ quan cao cấp trong Quân lực Việt Nam Cộng cũng là chính khách có ảnh hưởng lớn trong chính quyền Sài Gòn thời đó.

Thậm chí, nhà tình báo nổi tiếng này còn được công chúng biết đến với tư cách là nguyên mẫu của nhân vật huyền thoại Nguyễn Thành Luân trong bộ phim Ván bài lật ngửa. Ông được phong là Đại Tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và là 1 trong những huyền thoại xuất sắc nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam.

Theo Hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, cuộc đời như huyền thoại của ông đã được đề cập ngắn gọn như sau: “Đồng chí Phạm Ngọc Thảo (tức Phạm Thao), sinh năm 1922, tại tỉnh Long Xuyên, dân tộc Kinh. Tham gia cách mạng năm 1945, nhập ngũ 1946. Lúc hy sinh, đồng chí là Đại tá, cán bộ Cục Nghiên cứu, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 8-1945, đồng chí tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn. Đầu năm 1946, đồng chí được cử ra miền Bắc học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân I). Ra trường, đồng chí trở lại miền Nam hoạt động ở địa bàn Khu 8, Khu 9.

Cuối năm 1947, được trên giao làm Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ (cơ quan tình báo của ta). Với tinh thần trách nhiệm, trong một thời gian ngắn, đồng chí đã thống nhất được các lực lượng tình báo toàn Nam Bộ.

Năm 1949, được trên điều sang làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410 chủ lực Khu 9, tiểu đoàn đã chiến đấu nhiều trận thắng lợi lớn, góp phần mở rộng vùng giải phóng.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, nhận chỉ thị của tổ chức, đồng chí ở lại miền Nam, dựa vào thế lực là một gia đình trí thức, theo Thiên Chúa giáo, thân cận với gia đình họ Ngô, đồng chí đã thâm nhập đi sâu, leo cao vào chế độ ngụy quyền miền Nam, phục vụ yêu cầu tình báo chiến lược. Trong thời gian làm việc trong chế độ ngụy, Phạm Ngọc Thảo lần lượt là: Năm 1956, được phong Đại úy, Tỉnh trưởng Bảo an Vĩnh Long. Năm 1957, được đề bạt Thiếu tá, thuộc Sở Nghiên cứu chính trị-xã hội của Phủ Tổng thống (cơ quan mật vụ của ngụy do Trần Kim Tuyến phụ trách). Năm 1958, được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre).

Cuối năm 1961, do bị nghi ngờ là nội tuyến của Việt Cộng, nên địch điều đồng chí đi học nước ngoài, đến giữa năm 1962 về đảm nhiệm chức Tham vụ chuyên môn Phủ Tổng thống.

Với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, với ý thức kỷ luật cao, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ tình báo mưu trí, sáng tạo, giành thế chủ động tấn công địch.

Những năm làm tỉnh trưởng, với bình phong bất lợi nhưng đồng chí đã cung cấp được nhiều tin tức, tài liệu liên quan đến các cuộc hành quân của địch trong tỉnh và quân khu, nên đã ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do các cuộc hành quân quy mô lớn của địch gây ra. Lợi dụng chức vụ tỉnh trưởng, đồng chí đã đẩy được một trung đoàn của Sư đoàn Bộ binh 3 của ngụy, 5 tiểu đoàn biệt động do địch đưa về đàn áp phong trào du kích Bến Tre ra khỏi tỉnh. Hoặc khi địch mở cuộc hành quân ở khu vực nào đó, đồng chí đã bí mật báo cho lực lượng ta biết để đối phó…

Năm 1965, không may sa vào tay địch, chúng tra tấn đồng chí rất dã man, song không hề lay chuyển được ý chí sắt đá của đồng chí. Cay cú trước khí phách hiên ngang của người cộng sản, địch đã giết hại đồng chí.

Đồng chí Phạm Ngọc Thảo là một cán bộ tình báo chiến lược, được Trung ương trực tiếp chỉ đạo đi sâu, leo cao vào những vị trí trọng yếu của địch. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí đã lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.

Đồng chí đã được truy phong quân hàm Đại tá và được công nhận liệt sĩ. Xét thành tích đặc biệt xuất sắc của đồng chí trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 30-8-1995, đồng chí được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nhận định về chiến sĩ tình báo này như sau : "Anh Phạm Ngọc Thảo đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong công tác cách mạng của chúng ta"...

Ngay cả 1 điệp viên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là  Phạm Xuân Ẩn cũng từng chia sẻ:  "Nhiệm vụ được giao cho Phạm Ngọc Thảo khác với nhiệm vụ của tôi. Ông ấy có nhiệm vụ làm mất ổn định của chế độ Diệm và vạch âm mưu đảo chính, còn tôi là một nhà tình báo chiến lược. Nhiệm vụ của ông Phạm Ngọc Thảo nguy hiểm hơn nhiệm vụ của tôi rất nhiều" (trích trong cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” do nhà sử học người Mỹ Larry Berman dẫn lời).

Thân nhân của Đại tá Phạm Ngọc Thảo gửi tặng bức họa chân dung Phạm Ngọc Thảo cho Bảo tàng Bến Tre.

Cho đến nay những câu chuyện cũng như chi tiết về cuộc đời hoạt động tình báo của Phạm Ngọc Thảo vẫn chưa được công bố vì nhiều lý do. Ông được các nhà phân tích tình báo quốc tế gọi là “điệp viên có một không hai” vì ông không có đồng đội trực tiếp hỗ trợ, là điệp viên hoạt động đơn tuyến và chỉ chịu sự chỉ đạo về chiến lược của Trung ương. Khác với nhiệm vụ thu thập tin tức như các điệp viên khác, nhiệm vụ của ông là tác động đến sự "rối loạn chế độ ngụy quyền". Phạm Ngọc Thảo thông qua các hoạt động để tác động trực tiếp đến ngụy quân. 

Đại tá Phạm Ngọc Thảo trong bộ quân phục quân đội Sài Gòn Ảnh

Với chức danh là sĩ quan cao cấp trong Quân lực Việt Nam cộng hòa, ông đã tham gia chỉ đạo vào hàng loạt vụ đảo chính, gây mất ổn định chính phủ ngụy quyền những thời gian năm 1964-1965. 

Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo nay là Bảo tàng tỉnh Bến Tre

Đáng nói, ông bị xem là đối tượng nguy hiểm và bị đe dọa tính mạng trong những cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái quân đội ngụy. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ mà không trốn chạy. Thậm chí khi bị bắt và tra tấn đến chết, ông vẫn không hề để lộ tung tích của mình. 

Đến khi ông được truy phong Anh hùng LLVT nhân dân, nhiều người mới biết ông là điệp viên cộng sản. Đến thời điểm hiện tại, Phạm Ngọc Thảo vẫn được xem là 1 bí ẩn của báo chí quốc tế. “Sự bí ẩn không phải vì xung quanh ông vẫn còn những bí mật quân sự, cũng không phải xung quanh ông có những điều “nhạy cảm” khó nói. Khó giải mã là do tầng tầng lớp lớp những biến cố lịch sử, những quan hệ, sự thiên biến vạn hóa của chiến lược, chiến thuật, kỹ thuật, nghệ thuật chiến tranh tồn tại trên chiến trường, trên chính trường và trong cuộc sống nhưng nằm ngoài sách vở và các bản tổng kết”- 1 nhà báo từng viết về điệp viên Phạm Ngọc Thảo.

 

Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội- ĐHQGHN: Là tên của 1 phố ở Q.Thanh Xuân

Hiệu trường đầu tiên của trường Đại học tổng hợp Hà Nội nay là ĐHQGHN là 1 nhà Vật lý tài ba, nhà giáo Nhân dân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam