Đời sống

Vị tướng sinh ra để làm cảnh sát hình sự: Là người ra lệnh bắt Năm Cam, khai sinh ra lực lượng cảnh sát SBC huyền thoại

Vị tướng sinh ra để làm cảnh sát hình sự: Là người ra lệnh bắt Năm Cam, khai sinh ra lực lượng cảnh sát SBC huyền thoại

Trước khi nghỉ hưu, vị tướng này chính là người đã ra lệnh bắt giữ 'ông trùm' giang hồ khét tiếng Năm Cam. 

Nhắc đến cảnh sát hình sự của Việt Nam không thể không nhắc đến vị tướng huyền thoại Trịnh Thanh Thiệp (1930 - 2020). Ông nguyên là Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, nghỉ hưu vào năm 1995 với quân hàm Thiếu tướng Công an nhân dân Việt Nam. 

Chân dung Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp

Sinh ra tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, tướng Thiệp tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Lộc Ninh và được giao trọng trách tiếp quản Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn sau 30/4/1975. 2 năm sau đó, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông được biết đến là người đã ra lệnh bắt giữ Năm Cam - "trùm" của những "ông trùm giang hồ" - vào năm 1995. Khi đó ông đang giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Việt Nam. Việc ông đột ngột nghỉ hưu sau đó bị nhiều người cho là bất thường nhưng trong một bài phỏng vấn với báo VnExpress, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Thiện Ngộ - người đứng mũi chịu sào trong việc bắt giữ Năm Cam năm 1995 - đã khẳng định Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp nghỉ trong đợt này là đúng với tiêu chuẩn, chế độ. "Theo quy định, từ cấp Thiếu tướng trở lên thì do Ban Tổ chức trung ương và Thủ tướng quyết định, và việc này đã được giải quyết từ trước khi điều tra vụ Năm Cam", ông Ngộ cho biết. 

Năm Cam khi hầu tòa 

Ngoài vụ việc ra lệnh bắt giữ "trùm giang hồ" Năm Cam thì Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp còn được biết đến là người đã thành lập ra lực lượng cảnh sát SBC (săn bắt cướp) vào tháng 3/1978. Thời điểm đó, ông 48 tuổi và đang mang quân hàm Trung tá. Đích thân ông đứng ra tuyển chọn, tổ chức và đào tạo các cảnh sát trẻ dưới 30 tuổi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trị an cho Thành phố Hồ Chí Minh. Lực lượng này trở thành huyền thoại của ngành cảnh sát khi lập được vô số chiến công và đổi tên thành Đội trinh sát đặc nhiệm vào năm 1989. 

Đời tư của Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp khá kín tiếng. Chỉ biết ông cùng vợ Phạm Thị Thái (sinh năm 1936) và các con sống xa nhau thời gian dài và đoàn tụ vào năm 1979 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong ba người con - hai trai, một gái út - của tướng Thiệp thì con trai thứ hai Trịnh Thanh Sơn là người được biết nhiều nhất khi đạt học vị Tiến sĩ vào năm 2013, giữ chức Trưởng phòng Đào tạo sau đại học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ hưu, Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp sinh sống cùng gia đình tại đường số 2, phường An Lạc A, Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh và qua đời vào ngày 26/6/2020.