Đời sống

Từ vụ người đàn ông trẻ làng Nủ Lào Cai nguy kịch do hội chứng vùi lấp vì sạt lở: Nguyên tắc sơ cứu ai cũng cần nắm rõ

Từ vụ người đàn ông trẻ làng Nủ Lào Cai nguy kịch do hội chứng vùi lấp vì sạt lở: Nguyên tắc sơ cứu ai cũng cần nắm rõ

Nạn nhân bị hội chứng vùi lấp vì sạt lở đất sẽ có tiên lượng cao nếu được sơ cứu đúng cách tại hiện trường. 

Theo chia sẻ của Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), vào lúc 0h30 ngày 12/9, bệnh viện đã tiếp nhận 2 nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch vì vụ sạt lở ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Trong đó, nạn nhân H (31 tuổi, dân tộc Tày) vết thương chảy máu, bụng chướng, siêu âm nhiều dịch nghi máu trong ổ bụng, dịch màng phổi hai bên, rối loạn đông máu, nhiễm trùng rất nặng, tình trạng tiêu cơ vân do hội chứng vùi lấp. Bệnh nhân còn có triệu chứng suy đa tạng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Hình ảnh nam bệnh nhân được cấp cứu tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai - Nguồn ảnh: BVCC.

Từ trường hợp của anh V, không ít người tỏ ra mơ hồ trước khái niệm hội chứng vùi lấp. Khái quát về hội chứng này như sau: "Biểu hiện toàn thân nghiêm trọng của chấn thương và thiếu máu cục bộ liên quan đến các mô mềm, chủ yếu là cơ xương, do bị nghiền nát nặng trong thời gian dài. Nó dẫn đến tăng tính thấm của màng tế bào và giải phóng kali, enzym và myoglobin từ bên trong tế bào. Rối loạn chức năng thận do thiếu máu cục bộ thứ phát, hạ huyết áp và giảm tưới máu thận dẫn đến hoại tử ống thận cấp tính và chứng tăng urê máu". 

Xe cấp cứu để đón một bệnh nhân bị hội chứng vùi lấp về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - Nguồn ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hội chứng vùi lấp xảy ra phổ biến khi có các thảm họa động đất, sạt lở, các vụ nổ khiến tòa nhà sụp đổ,... Khi phát hiện ra nạn nhân mắc hội chứng này, cần phải ghi nhớ nguyên tắc sơ cứu tại hiện trường như sau:

- Không kéo nạn nhân ra ngay lập tức nếu bị vùi lấp lâu vì hành động này có khiến sự giải phóng các chất độc vào máu tăng lên một cách đột ngột. Hãy giải phóng dần phần cơ thể bị vùi lấp. 

- Cung cấp dịch tĩnh mạch với dung dịch muối sinh lý để ngăn chặn tình trạng mất nước và giúp thận thải bỏ myoglobin (nếu có thể). 

- Đảm bảo đường thở của nạn nhân thông thoáng và hô hấp ổn định, kiểm tra tình trạng tuần hoàn máu và thực hiện ép tim ngoài lồng ngực nếu cần

- Nói chuyện và an ủi để giữ cho nạn nhân được tỉnh táo.

- Bảo vệ nạn nhân khỏi các yếu tố môi trường như lạnh, nóng hay tiếp xúc với nước lũ bẩn.

Vì hội chứng vùi lấp rất nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng nên chúng ta cần nắm được các biện pháp phòng ngừa, bao gồm: Nâng cao nhận thức về nguy cơ sạt lở, bão lũ và các bước an toàn cơ bản; Cảnh báo sớm để người dân kịp thời sơ tán khỏi những vùng nguy hiểm; Đảm bảo lực lượng cứu hộ được đào tạo về cách sơ cứu và xử trí nạn nhân bị vùi lấp; Chuẩn bị trang thiết bị y tế đầy đủ để công tác cấp cứu luôn sẵn sàng. 

*Nội dung được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3.