Phủ 'đệ nhất tham quan' Hòa Thân giá trị bằng 'nửa triều Thanh': Riêng 1 cây cột nhà đã hơn 9.000 tỷ
Nhắc đến nơi xa hoa nhất thời phong kiến Trung Quốc không thể không nhắc đến Cung Vương Phủ - tư gia của 'đệ nhất tham quan' Hòa Thân.
Hoà Thân (1750 - 1799) là nhân vật cực kì nổi tiếng, gắn liền với triều đại nhà Thanh của Trung Quốc. Ông là đại thần được vua Càn Long sủng ái nhất nhưng cũng là tham quan khét tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Trong vòng hơn 20 năm làm quan, Hòa Thân đã tích cóp được cho mình một tài sản gấp 15 năm tổng ngân khố nhà Thanh. Nếu quy đổi ra tiền ngày nay, tài sản của đại tham quan này rơi vào khoảng 253 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 40,9 tỷ USD.
Nắm trong tay khối tài sản lớn như vậy nên thú tiêu tiền của Hòa Thân cũng khác biệt, thậm chí dân gian còn lưu truyền câu nói "Cái Càn Long có thì Hòa Thân cũng có, thế nhưng cái Càn Long không có thì chưa chắc Hòa Thân đã không có". Điển hình như Cung Vương Phủ của Hòa Thân chính là dinh thự lớn nhất triều Thanh, mất đến 4 năm mới hoàn thành.
Với tổng diện tích lên đến hơn 6000 ha, Cung Vương Phủ có tới hơn 30 tổ hợp công trình kiến trúc được cho là lấy cảm hứng từ các bản vẽ của cung Phúc Thọ, thông số kỹ thuật giống Tử Cấm Thành nhưng vật liệu xây dựng tốt hơn cung vua hàng trăm lần. Có thể kể đến: Gỗ tuyết tùng kim tuyến - loại gỗ đắt và quý giá nhất vào thời điểm bấy giờ - được dùng làm vật liệu chủ yếu; Mọi cây cột trong nhà đều được làm từ gỗ Kim tơ Nam mộc âm trầm ngàn năm - loại gỗ quý hiếm đứng đầu trong tứ đại danh mộc (gồm có Hoàng đàn, Giáng hương, Thiết lực, Sến), mỗi cây cột giá trị hơn 9.000 tỷ đồng.
Tương truyền, Hòa Thân xây riêng tòa nhà nhà dài nhất có 99 phòng, đặt tên là Hậu Tráo Lâu hay Tàng Bảo Lâu, dùng để cất giữ vàng bạc, châu báu. Đại tham quan đánh dấu hoa văn khác nhau trên mỗi cửa phòng để phân biệt đồ cất trong phòng. Bên cạnh đó, có thể kể đến Ngân An điện sang trọng và trang nhã chỉ mở cửa khi có những sự kiện lớn hoặc ngày lễ quan trọng hay Bảo Quang thất xa hoa - nơi sau này Hoà Thân cũng như các hoàng tử dùng làm chỗ tiếp khách. Đặc biệt, Di Thần Sở - nhà hát lớn của phủ Hòa Thân được xây dựng bằng gỗ chắc chắn, thiết kế và cách âm tuyệt vời đến nỗi giọng hát vang vọng rõ ràng kể cả khi đứng ở nơi xa sân khấu nhất.
Mọi thứ trong Cung Vương Phủ từ viên gạch, hòn đá đều là thượng phẩm trong nhân gian. Chính vì thế nên khi nhắc đến giá trị của nơi này, người ta thường có câu “Một Cung Vương phủ, nửa triều đại Thanh” ý nói giá trị phủ Hòa Thân bằng nửa triều đại nhà Thanh.