Đời sống

Rừng gỗ sưa trăm tỷ do một tộc người bí ẩn của Việt Nam sở hữu, 'sưa tặc' khó lòng đụng đến được

Rừng gỗ sưa trăm tỷ do một tộc người bí ẩn của Việt Nam sở hữu, 'sưa tặc' khó lòng đụng đến được

Tộc người bí ẩn của Việt Nam sở hữu, gìn giữ rừng sưa trăm tỷ quý giá, gần 20 năm không bán một cây nào, 'sưa tặc' cũng không thể bén mảng đến. 

"Vương quốc gỗ sưa" nằm trong Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình từng là nơi có vô số cây gỗ sưa quý giá. Cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, "sưa tặc" hoành hoành khiến cho nguồn gỗ sưa nơi đây dần cạn kiệt. Phải đến khi người A Rem - tộc người được phát hiện muộn nhất ở Việt Nam - đứng ra cai quản thì tình hình mới có sự thay đổi rõ rệt. 

Người A Rem đi rừng

Được biết, tộc người A Rem được bộ đội biên phòng nước ta phát hiện vào năm 1956. Tộc người này chủ yếu sinh sống trong các hang đá của rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, thức ăn của họ chủ yếu là bột nhúc, bột đoác… 4 năm sau khi được phát hiện, người A Rem có sự sụt giảm về số lượng đáng kể, đừng trước nguy cơ tuyệt chủng khi tổng dân số chỉ còn vài chục người. Để có thể giúp người A Rem thoát khỏi nguy cơ biến mất, nhà nước cùng các cấp chính quyền đã quy tụ họ thành làng xã, dạy họ nghề trồng rừng. 

Rừng sưa đỏ của người A Rem 

Cây sưa đỏ đối với người A Rem là loài cây gắn bó với họ từ những ngày còn ở hang đá, do đó nên khi lập bản, họ chọn nuôi trồng cây sưa đỏ làm kinh tế. Gần 20 năm kể từ ngày nhận giống cây, rừng sưa đỏ của người A Rem đã có lõi đỏ, cây nào cây nấy đều tươi tốt khỏe mạnh. Sau trận bão năm 2017, nhiều cây sưa bị gãy hoặc bật gốc để lộ lõi đỏ au, thương lái hỏi mua với giá đổ đồng 50 triệu/cây nhưng từ cán bộ đến người dân đều từ chối. 

Gỗ sưa đỏ quý giá và đắt đỏ

“Vốn người A Rem rất yêu rừng. Bằng chứng là tổ tiên của người A Rem sống trong hang đá, tất cả vật dụng, lán trại đều được làm bằng tre nứa mà không hề đụng đến một cây rừng. Họ quan niệm, mỗi cây rừng đều có hồn vía của nó, cây càng cổ thụ, càng to lớn thường là nơi thần rừng trú ngụ, nên bảo người A Rem chặt rừng sưa để bán là điều không thể”, một cựu cán bộ có nhiều năm gắn bó với người A Rem từng nói. 

Sở dĩ "sưa tặc" không thể bén mảng đến rừng sưa đỏ của người A Rem là vì công tác bảo vệ, quản lý của người dân và chính quyền cực kì nghiêm ngặt. Chỉ có ai thân thiết hoặc được cán bộ xã giới thiệu thì mới được đặt chân vào trong rừng.