Nhà lãnh đạo Việt Nam là người duy nhất từ chối giải Nobel Hòa Bình, ông mai 'mát tay' của Bộ Chính trị
Đứng trước vinh dự to lớn trở thành người châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Hòa Bình, nhà lãnh đạo này kiên quyết từ chối nhận, trở thành trường hợp duy nhất trong lịch sử Giải Nobel Hòa bình.
Ông Lê Đức Thọ (1911 - 1990) là nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Ông nguyên là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, phụ trách nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1956 đến năm 1982.
Đặc biệt, ông chính là người trực tiếp phụ trách đoàn ngoại giao Việt Nam đàm phán với Mỹ về Hiệp định Paris. Sau khi Hiệp định này được ký kết thành công, ông cùng với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger được trao tặng giải Nobel Hòa bình (năm 1973). Trước vinh dự trở thành người châu Á đầu tiên được trao giải thưởng này, ông Thọ đã thẳng thừng từ chối. Trong lịch sử Giải Nobel Hòa bình, ông là trường hợp duy nhất từ chối nhận và hành động này đã gây chấn động truyền thông quốc tế khi đó.
Trong bức thư giải thích về quyết định của mình gửi cho bà Aase Lionaes, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel của Quốc hội Na Uy năm đó, ông nêu rõ quan điểm:
"Bây giờ tôi nói về Giải thưởng Nobel. Chúng tôi biết, Giải thưởng Nobel là một giải thưởng lớn với thế giới. Từ xưa đến nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng tại sao tôi không nhận? Tôi không phải có khó khăn như bà nói đâu. Chỉ một điều là ai làm cho hòa bình? Bà biết rằng đây là giải thưởng Nobel cho hòa bình”.
Mỹ tiến hành xâm lược đất nước tôi 20 năm. Người chống Mỹ và làm cho Mỹ thất bại, giành độc lập đưa hòa bình cho đất nước và cho cả khu vực này là chúng tôi. Người làm hòa bình là chúng tôi chứ không phải Mỹ.
Trong thư gửi Ủy ban Giải Nobel, tôi đã phân tích kỹ Mỹ tiến hành chiến tranh như thế nào? Nhưng Ủy ban Giải đã đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người tạo (làm) hòa bình. Coi chúng tôi cũng như Mỹ. Điều đó là sai lầm và tôi không thể chấp nhận như vậy. Vì vậy tôi đã không nhận Giải thưởng Nobel!”.
Sự khảng khái của huyền thoại ngoại giao Việt Nam khiến cho chính đối thủ của mình là Henry Kissinger cũng phải nể phục. Sau này, khi nhắc đến ông, Kissinger dành lời khen ngợi, nhận xét nhà lãnh đạo của Việt Nam là người kiên định và thông minh.
Ra quốc tế thì cứng rắn nhưng đối với anh em trong Bộ Chính trị, ông Lê Đức Thọ vô cùng quan tâm và gắn bó. Người ta vẫn đùa rằng ông vừa giỏi ngoại giao lại giỏi luôn chuyện làm mối, thậm chí còn là "ông mai" cực kì mát tay. Ông Lê Đức Thọ chính là người đã mai mối cho nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn và người vợ miền Nam tên là Nguyễn Thụy Nga. Ông cũng là người se duyên cho Trung tướng Lê Hiến Mai - cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, nguyên giám đốc Học viện chính trị Quân sự, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương binh và xã hội - với bà Ngô Duy Liên - em gái bà Bảy Huệ - vợ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Ông Lê Đức Thọ là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối kiệt xuất và cũng là người đồng đội nhiệt huyết, nghĩa tình. Với những đóng góp to lớn của mình cho đất nước, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều Huân chương, danh hiệu vinh dự cao quý khác. Tên của ông được đặt cho nhiều tuyến đường phố tại các tỉnh, thành ở Việt Nam và tại quê nhà có khu tưởng niệm nhà lãnh đạo, huyền thoại ngoại giao của Việt Nam.