Đời sống

Loại gỗ quý hiếm đắt nhất thế giới giá 300 triệu/m3, luôn 'cháy hàng' vì được cả thế giới săn lùng

Loại gỗ quý hiếm đắt nhất thế giới giá 300 triệu/m3, luôn 'cháy hàng' vì được cả thế giới săn lùng

Dù có giá thành đắt đỏ bậc nhất thế giới nhưng loại gỗ này lại luôn trong tình trạng 'cháy hàng' vì được cả thế giới săn lùng. 

Trong tất cả các loại gỗ quý hiếm thì gỗ đen châu Phi có lẽ là loại đứng đầu cả về độ quý hiếm và giá thành. Loại gỗ này hầu như chỉ được tìm thấy ở Tanzania, sở hữu nhiều ưu điểm nổi trội bao gồm: thớ mịn, chống mối mọt, cứng đến mức làm cùn các loại dụng cụ cắt gỗ nên độ chịu lực, chịu nhiệt, chống cong vênh, phân hủy của nó là không còn gì để bàn cãi. 

Gỗ đen châu Phi

Tuy nhiên, cây gỗ đen châu Phi lại tốn rất nhiều thời gian để có thể trưởng thành. Cây trưởng thành cao 8-15 mét mất 200 năm nhưng vì nhu cầu khai thác lớn nên trong khoảng 70-80 năm, thân gỗ phát triển thành đường kính khoảng 30cm đã được đốn bán. Tính đến năm 2016, giá niêm yết của gỗ đen châu Phi đã rơi vào khoảng 13.000 USD/m3 (tương đương 300 triệu đồng).

Cây gỗ đen châu Phi trong tự nhiên 

Dù đắt đỏ nhưng gỗ đen châu Phi cũng có nhược điểm không nhỏ, đó là thân gỗ không mọc thẳng khiến cho quá trình chế tác gỗ thành các vật dụng khó khăn hơn. Thông thường, các nhà sản xuất chỉ có thể tận dụng 9% gỗ đen châu Phi để làm các loại nhạc cụ. Ví dụ như một cây gỗ đen châu Phi cao 10m chỉ có thể chế tạo thành 50 chiếc kèn clarinet.

Kèn làm từ gỗ đen châu Phi 

Khó gia công là thế nhưng gỗ đen châu Phi lại luôn trong tình trạng "cháy hàng" vì nhu cầu sử dụng loại gỗ này luôn cao gấp nhiều lần so với nguồn cung. Từ nhiều thế kỷ trước, người ta đã dùng nó để làm tay cầm các dụng cụ y tế hoặc đồ tiện, khảm đồ nội thất, nhạc cụ hơi... 

Cho đến nay, gỗ đen châu Phi vẫn là loại gỗ không thể thay thế, cộng thêm việc bị "săn lùng" nên nhiều người không khỏi lo ngại về tương lai của nó. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã đưa gỗ đen châu Phi vào danh sách "sắp bị đe dọa", đồng thời cũng có nhiều chương trình trồng gỗ đen châu Phi được phát động và thực hiện nhằm đảm bảo nguồn cung tốt hơn cho loại gỗ này trong tương lai.