Loại gỗ quý được mệnh danh là 'mộc vương': Cứng gấp 2 lần thép, súng đạn không thể xuyên qua
Loại gỗ có độ cứng vượt trội này được xếp vào hàng quý hiếm và đắt đỏ bậc nhất trên thế giới.
Cây bạch dương đen hay còn có tên gọi khác là bạch dương sắt được xem là "mộc vương" - vua của các loài cây - không chỉ vì quý hiếm mà còn vì đặc tính độc đáo của nó. Nó nổi tiếng với độ cứng gấp đôi thép và gấp 4 lần gỗ keo, dao rạch không xước, đạn bắn không thủng mà chỉ để lại vệt mờ trên thân cây.
Sở dĩ có được độ cứng vượt trội như vậy là vì bạch dương đen có sợi gỗ rất giàu lignin và cellulose, tạo nên cấu trúc tương tự như vật liệu composite trong môi trường áp suất cao, kết hợp với lớp vỏ cây không có đàn hồi, tạo ra lực phản lớn, có bị tác động mạnh cũng không biến dạng.
Loài cây này sống ở độ cao trên 700m so với mực nước biển, ưa ánh sáng và chịu lạnh, chịu hạn tốt. Lá cây hình bầu dục thuôn dài, thân cây trưởng thành có đường kính 0,7m, cao 20m và tuổi thọ trung bình đạt 300 - 350 năm. Bạch dương đen sinh sống chủ yếu ở các khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc và mất trung bình từ 300 đến 500 năm để trưởng thành.
Người Nga thường chế tạo thuyền bằng loại gỗ quý này. Ngoài ra, gỗ bạch dương đen còn được dùng làm nguyên liệu trong sản xuất đồ nội thất cao cấp, dụng cụ thể thao, nhạc cụ, các bộ phận tàu thuyền, xây dựng các công trình kiên cố, chế tạo áo giáp và phương tiện phòng thủ. Vỏ của nó có tác dụng làm thuốc và trà thảo mộc, lá và thân cây có tác dụng điều trị một số loại bệnh như phù, sưng, gút, và thấp khớp.
Vì thời gian trưởng thành lâu, giá trị cao, nhu cầu lớn nên gỗ bạch dương sắt đang ngày càng bị khai thác quá mức dẫn đến việc đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, từ đó ảnh hưởng đến hệ sinh thái và giá trị di sản thiên nhiên.