Đời sống

'Kỳ mộc' cực kì quý hiếm, cả Việt Nam chỉ còn 8 cây ngoài tự nhiên, giá trị 'đắt hơn vàng'

Loại gỗ 'đắt hơn vàng' này càng ngày càng trở nên quý hiếm vì khả năng tái sinh tự nhiên của cây là cực kì kém. 

Gỗ gù hương hay còn được gọi là gỗ xá xị được xem là "báu vật" của Việt Nam vì nhiều lý do. Trước tiên, loại gỗ này chống nứt, chống mối mọt cực kì tốt, có tinh dầu mang mùi thơm đặc biệt, chỉ cần để trong nhà là gỗ tự tỏa hương xua đuổi các loại côn trùng như muỗi, gián, kiến... Gỗ gù hương có giá trị kinh tế cực kì cao, một mét khối gỗ lâu năm có thể lên tới 50 triệu đồng hoặc hơn. Chính vì thế nó được xem là loại gỗ "đắt hơn vàng", được săn lùng ráo riết trên toàn thế giới. Hiện nay, gỗ gù hương chủ yếu sinh trưởng và phát triển ở các nước như Việt Nam, Lào và Campuchia.

Cây gỗ gù hương có thể cao đến 50m

Được biết, vào năm 1913, M.H. Lecomte, nhà nghiên cứu thực vật người Pháp, đã tiến hành nghiên cứu về các loài thực vật trong chi Quế (Cinnamomum) ở Việt Nam và vô tình phát hiện ra loài gù hương đặc hữu của Việt Nam mà thế giới chưa từng biết đến. Trong công bố của ông có mô tả chi tiết đây là một loài cây gỗ lớn có thể cao tới 50m, mọc tự nhiên trên núi đất và núi đá với phần thân và lá chứa tinh dầu có thành phần chính là long não, mùi thơm đặc trưng và kháng khuẩn tự nhiên, hạt chứa dầu béo.

Tinh dầu gỗ gù hương rất quý và nhiều công dụng 

Gỗ gù hương thường được dùng để để chế tạo đồ thủ công mỹ nghệ, tinh dầu của nó thì  được dùng như một chất tạo hương và bảo quản tự nhiên. Đặc biệt, tinh dầu gỗ gù hương còn có tác dụng chữa bệnh. Người ta thường dùng nó để chế tạo nước hoa, xà phòng, dầu gội và các sản phẩm chăm sóc da... 

Theo kết quả từ "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây gù hương" do Trung tâm Khoa học Lâm Nghiệp vùng Trung tâm Bắc Bộ thực hiện trong 60 tháng (từ tháng 7/2010 đến tháng 7/2015) thì trên địa bàn ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Ninh Bình có tổng cộng 53 cây gù hương phân bổ lần lượt là 29 cây, 6 cây, 16 cây và 2 cây. Trong đó phần lớn cây gù hương nằm trong vườn của các hộ gia đình (45/53 cây), còn lại chỉ có 8 cây mọc ngoài tự nhiên, tập trung tại hai khu vực cấm khai thác là khu di tích lịch sử Đền Hùng và vườn quốc gia Cúc Phương.

Vì khả năng tái sinh kém, nhu cầu cao nên số lượng cây gù hương ngày càng giảm. Loài cây này hiện nay nằm trong danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm IIA) theo Nghị định 31/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ.