Đời sống

2 quân nhân Việt Nam được đặc cách phong hàm Đại tướng: Người là thiên tài quân sự, người được Bác Hồ đặt tên

Đại tướng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trong lịch sử QĐND Việt Nam tính đến nay đã có 16 quân nhân được phong hàm Đại tướng, trong đó có có 2 quân nhân được đặc cách phong quân hàm Đại tướng không qua các cấp trung gian: 

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc trẻ và khi về già

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013) là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân yêu mến, bạn bè quốc tế kính trọng và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ coi là người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vốn xuất thân là một thầy giáo lịch sử, Đại tướng từng bước dùng tình yêu nước và tài năng quân sự thiên bẩm của mình lập nhiều công lao to lớn, được Bác Hồ vô cùng tin cậy, chọn làm đại tướng đầu tiên của quân đội ta. 

Ngày 20/1/1948, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng. Ngày 28/5/1948, đích thân Bác trao quân hàm Đại tướng cho tướng Giáp. Chức vụ cao nhất mà Đại tướng từng nắm giữ là Phó thủ tướng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng), Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Còn chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam là Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, II, IV, V, VI.

Trong hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đại tướng thắng nhiều đại tướng nhất. Đại tướng được xếp vào một trong những danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ, một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20. Ngoài Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế thì tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được đặt cho đường, phố và trường học ở nhiều nơi tại Việt Nam. 

2. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Chân dung đại tướng Nguyễn Chí Thanh 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967) tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ra tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha mất khi mới 14 tuổi, ông từng phải bỏ học, đi làm tá điền kiếm sống và nuôi gia đình. Lịch sử không tiếc lời ngợi ca Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, tuyệt đối trung thành, tận tụy với Đảng, với nước, với nhân dân; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Năm 1959, đồng chí được Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, trở thành vị Đại tướng thứ hai của quân đội ta. Tháng 9/1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, kiêm Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng quốc phòng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc trước khi đột ngột qua đời ở tuổi 53 một cơn đau tim đột ngột, đúng vào ngày lên đường quay trở lại chiến trường miền Nam để tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5/7/1967)

Có một giai thoại thú vị về cái tên của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Vào tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, đồng chí Nguyễn Vịnh (tên thật của Đại tướng) đã thắc mắc với đồng chí Võ Nguyên Giáp ngồi cạnh mình về cái tên Nguyễn Chí Thanh xuất hiện trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng rằng: "Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế!". Đồng chí Võ Nguyên Giáp mỉm cười đáp lại: "Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy". Cảm xúc ngỡ ngàng và sung sướng xâm chiếm cảm xúc của người quân nhân Nguyễn Vịnh. Kể từ thời điểm đó, cái tên Nguyễn Chí Thanh đã trở thành cái tên chính thức trong Quân đội ta. Sau này, tên này cũng được đặt cho nhiều đường, phố, trường học để tưởng nhớ công lao to lớn của Đại tướng đối với dân tộc.