Cách truyền mệnh lệnh của tướng lĩnh thời xưa với quân đội hàng vạn, hàng triệu người
Vào thời đại mà micro và loa chưa được sáng chế thì việc truyền lệnh của tướng lĩnh cho hàng vạn, hàng triệu quân lính sẽ yêu cầu một cách thức khá đặc biệt.
Trong các cuộc chiến tranh thời cổ đại, sự áp đảo về số lượng sẽ giúp cho quốc gia đó nắm phần thắng chắc hơn. Do đó, nước nào cũng xây dựng quân đội hùng hậu hàng vạn, hàng triệu người. Khi chiến tranh nổ ra, đội quân đó sẽ hành quân liên tục để chinh chiến, bảo vệ, mở rộng lãnh thổ.
Quân đội đông như vậy nên sẽ xếp thành hàng rất dài. Vào thời đại mà micro, loa chưa được phát minh thì việc tướng lĩnh muốn truyền đạt thông tin cho binh lính của mình chắc hẳn không phải việc dễ dàng. Tuy nhiên, chuyện khó không có nghĩa là không có hướng giải quyết.
Để đảm bảo việc người lãnh đạo có thể truyền đạt hết mệnh lệnh đến binh lính thì họ chia các đội quân của mình ra thành từng nhóm đều tăm tắp. Sau đó, tất cả đều phải giữ im lặng tuyệt đối khi người chỉ huy hô hiệu lệnh, ai tùy tiện thì thầm với nhau trong quân đội sẽ bị phạt gậy hoặc trực tiếp bị giết. Lúc này, hai hàng binh sĩ dài đứng hai bên tháp sẽ có trọng trách lặp lại lời phát biểu của tướng lĩnh một cách to, rõ ràng. Chiếc loa "chạy bằng cơm" này tuy thô sơ nhưng cũng cực kì hiệu quả trong việc truyền đạt đến binh lính.
Ngoài mệnh lệnh trực tiếp thì tướng lĩnh có thể ban hành những thông báo, văn bản chính thức giải thích rõ ràng lý do chiến tranh và chế độ khen thưởng để thúc đẩy động lực của binh lính. Tướng lĩnh chỉ có một nhưng dưới họ còn có phó tướng, tiên phong, và cố vấn quân sự. Những người này cũng có nhiệm vụ hỗ trợ chấn chỉnh quân đội và truyền mệnh lệnh của tướng quân tới mọi người.
Còn có một yếu tố then chốt trong việc truyền lệnh của tướng quân, đó là tận dụng các sĩ quan của từng đơn vị nhỏ. Họ được sắp xếp đứng ở phía trước để đảm bảo an toàn cho tướng quân, đồng thời cũng dễ dàng nắm bắt hiệu lệnh để truyền đạt lại với binh lính cấp thấp hơn mà mình đang quản lý.