Binh lính thời cổ đại một đội quân hàng triệu người thì giải quyết nhu cầu đi vệ sinh ra sao?
Giải quyết nhu cầu đi vệ sinh cho hàng triệu người không phải là việc đơn giản, nhất là vào thời đại công nghệ kĩ thuật vẫn còn thô sơ.
Thời xưa, khi các cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, chủ quyền diễn ra thì các đội quân hàng vạn, hàng triệu người sẽ được triệu tập để nghênh chiến. Họ hành quân ròng rã hàng tháng, hàng năm trời trong đủ loại địa hình nên việc ăn, ngủ, nghỉ ngơi cực kì được xem trọng.
Ngoài nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ thì những người đứng đầu quân đội còn phải giải quyết nhu cầu đi vệ sinh của các quân sĩ. Vì một đoàn quân vô cùng đông đúc nên lượng "bài tiết" chắc chắn không hề nhỏ. Do đó, trong tài liệu ghi chép về Trung Quốc thời cổ đại có nhắc đến việc quân lính khi đi đến bất cứ địa điểm nào mới thì điều đầu tiên họ làm chính là dựng trại, xây giếng nước, xây bếp lò và xây nhà vệ sinh công cộng.
Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh được đặt ra chính là quân đội xử lý số "chất thải" của binh sĩ ra sao?
Thực tế cho thấy từ ngày xa xưa, con người đã biết tận dụng chất thải để tạo ra vũ khí đặc biệt chống lại địch. Cụ thể, "chất thải" được ủ trong một khoảng thời gian sẽ sinh ra một số chất độc có hại cho con người. Binh lính ngâm mũi tên vào các hố phân, tạo thành một loại vũ khí hóa học đặc biệt có sức sát thương rất lớn. Kẻ địch khi dính phải tên này kể cả được cứu cũng khó lòng qua khỏi được vì chất độc đã thâm nhập sâu vào bên trong cơ thể.
Ngoài ra, một phần "chất thải" sẽ được thiết kế làm bẫy xung quanh nơi binh lính đóng quân. Nếu địch bị ngã vào trong chiếc bẫy đó thì cả tinh thần và thể chất cũng sẽ lập tức trở nên suy kiệt vì sợ hãi và hoảng loạn.