Tả tướng Việt Nam là tôn thất hoàng gia, chế ra súng thần công, làm quan dưới 4 đời vua nhà Minh
Với tài năng và thành tựu trong chế tạo súng, nhà Minh ngợi ca đại thần người Việt là 'Hỏa khí chi thần'
Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) là con trưởng của Hồ Quý Ly - người phế truất Trần Thiếu Đế vào năm 1400 để trở thành vua của nhà nước Đại Ngu. Dù là con trưởng nhưng Hồ Nguyên Trừng lại chỉ muốn làm quan nên Hồ Quý Ly đã chọn người con thứ là Hồ Hán Thương làm Thái tử. Chỉ 1 năm sau khi đăng cơ, Hồ Quý Ly đã nhường ngôi cho Thái tử để lui về làm Thái thượng hoàng, Hồ Nguyên Trừng được bổ nhiệm làm Tả Tướng quốc.
Năm 1406, Minh Thành Tổ lấy cớ "Phù Trần diệt Hồ" để xâm lược nước ta. Dân chúng khi đó vốn bất mãn với nhà Hồ vì nhiều cải cách táo bạo đi trước thời đại, không hợp lòng dân nên cũng không đồng lòng chống giặc. Chính vì lẽ đó mà dù có tướng giỏi nhưng lòng dân không theo nên các cuộc chiến của nhà Hồ với quân Minh hầu hết đều thất bại. Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly bị bắt, 17.000 người tài, thợ khéo của nước Việt bị đưa về Trung Quốc, đặt dấu chấm hết cho triều đại nhà Hồ (7 năm).
Trong khi Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương bị xử tử thì Hồ Nguyên Trừng lại được ân xá vì Minh Thành Tổ rất trọng người tài. Vua Minh đã không sai khi sau này, Hồ Nguyên Trừng đã đảm nhiệm vai trò chỉ huy xây cố cung Bắc Kinh cho nhà Minh dời đô từ Nam Kinh lên Bắc Kinh. Đặc biệt, Hồ Nguyên Trừng còn được mệnh danh là "ông tổ của nghề đúc súng thần công" khi tạo ra loại súng "thần cơ" có sức công phá mạnh mẽ nhất thời đó.
Hồ Nguyên Trừng rất được vua nhà Minh trọng dụng, đảm nhiệm nhiều chức quan lớn tại bộ Công (chuyên về kỹ thuật quân sự) như Lang trung, Hữu Thị lang, Tả Thị lang, Thượng thư bộ Công. Ông đã làm quan dưới 4 đời nhà Minh, bao gồm: Minh Thành Tổ (1360-1424), Minh Nhân Tông (1378-1425), Minh Tuyên Tông (1398-1435) và Minh Anh Tông (1422-1464) và được gọi là "Hỏa khí chi thần".
Dù "lưu đày" nhiều năm nhưng trong lòng Hồ Nguyên Trừng vẫn luôn hướng về quê hương. Điều đó thể hiện trong tên hiệu của ông là Nam Ông (Ông già nước Nam) và quyển sách "Nam Ông mộng lục" (Ghi chép trong mơ của Ông già nước Nam) do ông chắp bút. "Nam Ông mộng lục" viết về đất nước, con người Việt Nam cùng với tín ngưỡng, phong tục, tập quán được ghi lại chân thực và sinh động từ hơn 600 năm trước.