Đời sống

'Ông Phật làm súng' được Bác Hồ đặt tên, từ bỏ lương 22 lạng vàng để cống hiến cho đất nước là ai?

Vị anh hùng này được Bác Hồ tin tưởng, trọng dụng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quý mến đặt cho biệt danh 'ông Phật làm súng'. 

Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 – 9/8/1997) được biết đến là Giáo sư, Viện sĩ, kỹ sư quân sự, nhà bác học, Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Anh hùng Lao động, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Đặc biệt, ông có đóng góp to lớn với nền quốc phòng Việt Nam khi là người đặt nền móng xây dựng ngành khoa học kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng của nước ta. 

Chân dung Giáo sư Trần Đại Nghĩa qua các thời kì

Ông tên thật là Phạm Quang Lễ, xuất thân trong một gia đình nghèo ở xã Chánh Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Dù gia đình không mấy khá giả nhưng bố của Trần Đại Nghĩa trước khi lâm chung đã dặn dò người thân đồng lòng nuôi dưỡng cậu con trai ăn học đến nơi đến chốn để sau này cống hiến cho đất nước. Nghe theo lời trăn trối của cha, chị gái Phạm Quang Lễ đã bỏ học để cùng mẹ kiếm tiền nuôi em trai ăn học. Không phụ sự kì vọng của gia đình, ông đã thi đỗ đầu hai bằng Tú tài của cả Việt và Pháp vào năm 1933. Tuy nhiên vì quá nghèo, không có tiền ra Hà Nội học nên ông đã phải đi làm đợi cơ hội khác.  

2 năm sau đó, Phạm Quang Lễ được cấp học bổng du học Pháp. Với tư chất thông minh và sự cần cù, ông đã nhận 3 bằng Đại học cùng lúc (kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân toán) và không lâu sau đó thì lấy tiếp bằng kỹ sư hàng không. Đức là điểm đến tiếp theo của người thanh niên Phạm Quang Lễ. Tại đây, ông nghiên cứu về chế tạo máy bay và vũ khí, sau đó trở lại Pháp làm kỹ sư trưởng cho Hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concord với mức lương 5.500 franc/tháng, tương đương với 22 lạng vàng. Nhận thấy quê hương dù có truyền thống đánh giặc hào hùng nhưng lại thiếu vũ khí hiện đại, Phạm Quang Lễ đã dồn hết tiền bạc và thời gian để mua sách nghiên cứu sâu hơn về vũ khí, đợi ngày hồi hương giúp quân dân ta.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa khi mới về nước năm 1946

Sau cuộc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris, Phạm Quang Lễ vào ngày 19/9/1946, trên chiến hạm Dumont d’Urville từ cảng Toulon, đã trở về Tổ quốc cùng Bác và 1 tấn tài liệu được đóng hòm dán nhãn “ngoại giao”. Bác ngay trong năm đó đã bổ nhiệm Phạm Quang Lễ làm Cục trưởng Cục Quân giới với trọng trách nghiên cứu, chế tạo ra vũ khí. Đặc biệt, Bác còn thể hiện sự quý trọng bằng cách đặt cho ông một cái tên vô cùng ý nghĩa. Bác nói: "Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa...".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (đeo kính) xem Triển lãm vũ khí (năm 1950)

Kể từ đó, cái tên Trần Đại Nghĩa đã xuất hiện trong rất nhiều trang sử của Việt Nam, gắn liền với nhiều công lao to lớn như chế tạo thành công súng và đạn bazooka, súng đại bác không giật (SKZ), ngòi thủy lôi áp suất ABS, các loại mìn, thủ pháo dù cho đặc công đánh hiểm, cải tiến ĐKB-H12 theo công nghệ của ta từ viện trợ của Liên Xô... Đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng phải cảm phục trước tài năng của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, nhận thấy ông là người hiền lành, nói ít làm nhiều nên đã đặt cho biệt danh là "ông Phật làm súng". Năm 1948, Giáo sư Trần Đại Nghĩa được phong tướng, kể từ đó ông được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội như Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Sau này khi không còn công tác trong quân đội, ông đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam... Ông còn được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học của Liên Xô vào năm 1966. 

Với những cống hiến to lớn của mình, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã được Đảng, Nhà nước ta tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, súng SKZ, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945-1954. Ngày nay, tên tuổi của ông cũng được đặt cho nhiều đường phố, trường đại học, giải thưởng,...