Đời sống

Loài chim quý sở hữu vẻ đẹp ấn tượng, không thể bị bắt nhốt vì một đặc điểm cao quý

Loài chim được xem là biểu tượng văn hóa Maya và người Aztec có một điểm vô cùng đặc biệt đó là không thể bị nhốt. 

Chim Quetzal (tên khoa học: Pharomachrus mocinno) thường được gọi là nuốc nữ hoàng hoặc chim đuôi seo, là loài chim vô cùng nổi tiếng vì vẻ đẹp và sự quý hiếm của chúng. Quetzal có kích cỡ hao hao chim bồ câu nhưng bộ lông của nó là cực phẩm của tự nhiên với lông bụng màu đỏ, lông lưng màu xanh lục, trên đầu và ngực phủ màu nâu nhạt và những chiếc lông vũ ở cánh và đuôi ấp lánh. Tổng thể của nó đúng như tên gọi, chẳng khác gì nữ hoàng của rừng xanh.

Vẻ đẹp tuyệt mỹ của chim Quetzal 

Thức ăn của chim Quetzal là bất cứ thứ gì chúng tìm thấy như trái cây, quả mọng, côn trùng, thằn lằn, ếch,... Dù là loài ăn tạp nhưng loài chim này cũng có món ăn yêu thích nhất của mình, chính là quả bơ dại cỡ nhỏ. Khi bắt gặp món khoái khẩu này thì Quetzal sẽ nuốt cả quả và nhả hạt ra sau khi thưởng thức hết phần thịt. Chim Quetzal thường làm tổ bằng cách mổ vào gỗ mềm hoặc cây mục.

Chim Quetzal làm tổ trên thân cây mục 

Có một điều vô cùng đặc biệt ở chim Quetzal, đó là con người không thể bắt nhốt nó lại vì nếu bị cướp mất tự do, loài chim này sẽ tuyệt thực đến chết. Phẩm chất cao quý ở chim Quetzal đã khiến cho người Maya và Aztec vô cùng cảm phục, coi nó là biểu tượng thiêng liêng, đại diện cho thần linh. Những chiếc mũ đội đầu của giai cấp thống trị Aztec và Maya luôn được gắn lông đuôi của chim Quetzal đực, thậm chí tại Guatemala - quốc gia ở Trung Mỹ - từ năm 1925 đã biến tên của loài chim này làm đơn vị tiền tệ của quốc gia. 

Ngày nay, chim Quetzal chủ yếu sống tại các rừng mây trên núi từ miền Nam Mexico đến miền Tây Panama. Số lượng loài này đang suy giảm nhanh chóng khi chính quyền và dân bản địa chưa thể ngăn chặn được nạn chặt phá rừng, săn bắt trái phép. Chim Quetzal cũng là loại nhạy cảm nên chưa thể thích nghi kịp với sự thay đổi của khí hậu. Với tổng số lượng hiện tại là khoảng 50.000 cá thể, chim Quetzal được xem là loài "gần bị đe dọa" trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).