Ô tô

Bỏ hơn 400 triệu mua ô tô điện nhưng bị khóa pin sau 3 tháng, người đàn ông 'sôi máu' khi biết lý do

Sự can thiệp kịp thời của cảnh sát đã giúp cho người mua xe và showroom bán xe tránh khỏi một vụ kiện tụng ồn ào. 

Vào năm 2022, một showroom xe điện ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc chào đón vị khách họ Vương là người ở địa phương đến mua xe phục vụ cho việc đi làm. Người đàn ông này sau khi quan sát một hồi đã dành sự chú ý đặc biệt tới mẫu xe năng lượng mới, có cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến.

Ảnh: Sohu 

Nhân viên tư vấn nhiệt tình rằng mẫu xe này không chỉ phục vụ nhu cầu di chuyển cá nhân mà còn có thể giúp chủ xe kiếm thêm nhu nhập khi có thời gian rảnh rỗi. Đặc biệt, phía showroom cũng khuyến mại sâu khi giảm từ 138.000 NDT (hơn 481 triệu đồng) giảm còn 115.000 NDT (hơn 401 triệu đồng), kèm theo nhiều ưu đãi như phim cách nhiệt, bảo hiểm trong năm đầu sử dụng, 3 năm bảo dưỡng xe miễn phí,…

Ảnh minh họa 

Quá ưng ý, anh Vương liền "chốt đơn" chiếc xe điện mà không chút lăn tăn. Anh vô cùng hài lòng về sự lựa chọn này sau 2 tháng đầu sử dụng. Thế nhưng, rắc rối bắt đầu xuất hiện vào tháng thứ 3. Một lần khi cắm sạc xe, anh phát hiện màn hình báo xe không sạc được. Khi đem đi kiểm tra tại trung tâm dịch vụ sau bán hàng của showroom kia, xe của anh Vương không gặp vấn đề gì mà chỉ bị nhà sản xuất khóa pin từ xa. Thường thì điều này chủ yếu là để đảm bảo an toàn cho xe nhưng trường hợp của anh Vương thì không phải vậy. 

Dịch vụ thuê pin xe điện rất phổ biến ở Trung Quốc - Ảnh minh họa 

Phía showroom cho biết anh Vương bị khóa pin vì mới chỉ mua xe chứ chưa mua pin. Pin sẽ hoạt động trở lại khi anh ký hợp đồng thuê pin với giá 9.600 NDT (hơn 33 triệu đồng)/năm. Anh Vương vừa choáng váng vừa bức xúc vì khi mua xe, nhân viên tư vấn khẳng định với anh rằng số tiền 115.000 NDT anh bỏ ra đã trọn gói cả xe và pin, thậm chí còn có cả giấy cam kết do nhân viên này soạn và ký tên. Tuy nhiên, chủ showroom tỏ ra vô cùng cứng rắn khi nhấn mạnh rằng: “Pin xe được cho thuê nhưng vì sai sót nên điều này không được đề cập đến trong hợp đồng. Còn về tờ giấy cam kết này, nó chỉ là bản thỏa thuận giữa anh và nhân viên bán hàng. Điều đó có nghĩa là nó không có hiệu lực pháp lý”.

Không có được câu trả lời thỏa đáng, anh Vương trình báo sự việc lên cảnh sát địa phương và phía cảnh sát nhanh chóng phân tích 2 điểm quan trọng dựa trên Bộ luật Dân sự Trung Quốc. Đầu tiên là anh Vương đã thanh toán toàn bộ tiền mua xe nên theo luật sẽ có quyền sở hữu xe cũng như toàn quyền kiểm soát phương tiện này. Thứ hai, anh Vương được hưởng quyền sở hữu pin xe như các dòng xe thông thường vì đơn vị bán hàng không đề cập đến việc pin được cho thuê trong hợp đồng mua xe. 

Phía cảnh sát cũng tin rằng anh Vương có đầy đủ cơ sở khởi kiện showroom bán xe cho mình và khả năng thắng kiện là rất cao. Nhờ sự hòa giải của cảnh sát mà anh Vương được mở khóa pin còn phía showroom cũng tránh được một vụ kiện tụng ồn ào.