Đời sống

Người Việt được phong làm danh thần của hai quốc gia, chỉ 2 câu thơ đã nhắc đủ 100 tướng Trung Quốc

Chỉ với 2 câu thơ, sứ thần người Việt đã nêu đủ 100 tướng tài của Trung Quốc, khiến vua nhà Minh nể phục phong làm 'lưỡng quốc danh thần'.

Nguyễn Quốc Trinh (1624-1674) là một vị quan vô cùng nổi tiếng vào thời nhà Lê. Ông là người xã Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Sau khi đỗ trạng nguyên khoa Kỷ Hợi (1659), ông được bổ nhiệm nhiều chức vụ như Hình bộ Hữu thị lang (1664), Hộ bộ hữu thị lang (Tháng 3/1673), Lại bộ tả thị lang (Tháng 12/1673). 

Sứ thần Cao Ly và sứ thần Việt Nam thi tài - Ảnh minh họa

Với tài năng hơn người, Nguyễn Quốc Trinh vào năm 1667 đã được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Trong chuyến đi này, ông đã có dịp bộc lộ trí tuệ và tầm hiểu biết vượt trội, lấn át cả sứ thần Cao Ly. Có một giai thoại được lan truyền trong chuyến đi sứ lần này của Nguyễn Quốc Trinh, đó là cuộc thi mà Khang Hy khởi xướng để thử tài 2 sứ thần đến từ hai nước. Hoàng đế nhà Thanh sai người mang thẻ tre đến và yêu cầu họ ghi ra tên của 100 vị danh thần trong lịch sử Trung Quốc. 

Chân dung vua Khang Hy

Trước câu đố hóc búa này, sứ thần Cao Ly hì hục liệt kê các danh thần của Trung Quốc trong khi đó, sứ thần Việt Nam đã rất bình thản, nhở nha thưởng trà. Khi bị giục, ông chỉ cười đáp lại: "Không có gì phải vội cả, tôi chỉ viết một loáng là xong ngay". Đến khi gần hết giờ, Nguyễn Quốc Trinh mới cần bút viết 2 câu thơ: 

"Khổng môn thất thập nhị hiền,

Vân Đài nhị thập bát tướng".

(Nghĩa là:

Cửa Khổng có bảy mươi hai người hiền,

Vân Đài ghi tên hai mươi tám tướng giỏi). 

Nguyễn Quốc Trinh dễ dàng vượt qua thử thách hóc búa của vua nhà Thanh - Ảnh minh họa

2 câu thơ này dựa trên điển tích nổi tiếng của Trung Quốc, đó là Khổng Tử có 72 học trò, ai ai cũng xuất chúng còn trên Vân Đài được xây dựng thời Hán Vũ Đế có khắc tên 28 danh tướng của triều đại này. Như vậy, chỉ với hai câu thơ ngắn gọn mà Nguyễn Quốc Trinh đã nhắc đủ 100 tướng tài, khiến Khang Hy phải trầm trồ thán phục, không tiếc lời khen ngợi: "Sứ thần nước Nam rất xứng đáng là Lưỡng quốc danh thần". 

Đáng tiếc là khi vẫn đang cống hiến hết mình cho đất nước thì Nguyễn Quốc Trinh đã bỏ mạng dưới tay loạn quân. Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi chép về cái chết của ông như sau: "Quân lính nổi loạn, giết viên bồi tụng Nguyễn Quốc Trinh, cướp phá nhà viên tham tụng Phạm Công Trứ. Bấy giờ ưu binh Thanh, Nghệ cậy có công lao, sinh ra kiêu ngạo phóng túng. Quốc Trinh và Công Trứ bàn cách kềm hãm ức chế bớt đi, vì thế binh lính không bằng lòng... Quân sĩ bèn rao hò ầm ĩ, đón đường giết Quốc Trinh, rồi đến cướp nhà Công Trứ"...

Sự ra đi của ông đã khiến cho quần thần, dân chúng không khỏi tiếc thương. Sau khi bắt giết ba người đứng đầu nổi loạn để tế Quốc Trinh, triều đình truy tặng ông chức thượng thư Bộ Binh, tước Trì quận công, tên thụy là Cương Trung, phong làm phúc thần.