Đời sống

Sứ thần Việt Nam là người đỗ Thám hoa cao tuổi nhất, bị vua nhà Minh mổ bụng vì một câu đối là ai?

Vị sứ thần thông minh gan dạ đã dám ra câu đối như cái tát thẳng vào mặt vua nhà Minh, đến nay vẫn được sử sách ca ngợi và lưu truyền.

Vào thời xưa, việc đi giao thiệp với các nước được gọi là đi sứ. Trong những chuyến đi như vậy đã có rất nhiều hiền tài dùng sự thông minh và dũng cảm của mình để làm rạng danh đất nước, một trong những sứ thần nổi tiếng nhất sử Việt phải kể đến Giang Văn Minh (1573-1638).

Ảnh minh họa

Ông là người ở tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (Hà Nội ngày nay), đỗ Thám hoa vào năm 1628 (là người đỗ đầu vì không có Trạng nguyên) và giữ kỷ lục là người đỗ Thám hoa cao tuổi nhất trong lịch sử khoa cử nước ta thời phong kiến. Giang Văn Minh lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung, Thái bộc tự khanh (1631). Đến ngày 30/12/1637, vua cử ông và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu làm chánh sứ cùng với 4 phó sứ Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê đi sứ Trung Quốc để cầu phong và tuế cống nhà Minh. Đến năm 1638 đoàn sứ mới đến nơi. 

Chân dung Minh Tư Tông

Hoàng đế nhà Minh khi đó là Minh Tư Tông Chu Do Kiểm không chỉ dùng "lệ cũ" để không công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc mà còn cố tình muốn "làm nhục" sứ đoàn của ta khi cho ra câu đố: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" (Nghĩa là: Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc", ám chỉ sự kiện tướng Mã Viện của Trung Quốc dẹp cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng). Biết rằng nếu xúc phạm vua Minh thì sẽ không thể thoát được tội chết nhưng Giang Văn Minh vẫn đưa ra vế đối đầy đanh thép: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng" (Nghĩa là: "Bạch Đằng thuở trước máu còn loang", ám chỉ việc quân ta 3 lần đánh thắng quân phương Bắc trên sông Bạch Đằng, cọc gỗ là thật còn cột đồng Mã Viện chỉ là thứ mơ hồ). 

Câu đối sâu cay giống như cái tát thẳng mặt Minh Tư Tông khiến ông ta vừa xấu hổ vừa giận dữ trước đông đảo quần thần. Kết cục là hoàng đế Minh triều đã đem Giang Văn Minh ra hành hạ bằng cách trám đường vào miệng, cho người mổ bụng để xem "bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu". Tuy nhiên vì còn kiêng dè Đại Việt nên Minh Tư Tông đã cho ướp xác Giang Văn Minh bằng thủy ngân để đưa về nước. 

Nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh

Thương xót trung thần, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng đích thân tới bái kiến linh cữu ông, truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh Quận công, đồng thời ca ngợi sự hi sinh của sứ thần bằng hai câu thơ: "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng" (Nghĩa là: Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).