Tộc người cổ xưa nào bị cho là tuyệt chủng vì giao phối với tổ tiên người hiện đại?
Thay vì tăng trưởng dân số thì tộc người cổ xưa lại suy giảm số lượng nhanh chóng sau khi giao phối với tổ tiên của người hiện đại, dẫn đến tuyệt chủng về sau.
Một khám phá khoa học đã đưa ra kết quả mang tính đột phá khi làm sáng tỏ nguyên nhân sự biến mất của người Neanderthal - một trong những quần thể người cổ đại từng sinh sống ở khu vực Á- Âu. Thông qua việc kiểm tra nhóm máu của họ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những điểm tương đồng di truyền đáng ngạc nhiên giữa tộc người cổ xưa này và tổ tiên người hiện đại (người Homo sapiens).
Dựa trên việc phân tích hài cốt của người Neanderthal, các chuyên gia phát hiện họ đã giao phối với người Homo sapiens từ 250.000 năm trước, lâu hơn rất nhiều so với con số 75.000 năm được suy đoán trước đó. Vốn dĩ tộc người này sở hữu nhóm máu hiếm cực kì nhạy cảm với bệnh tật, kết hợp thêm việc giao phối với loài người hiện đại gây ra tình trạng biến thể gene, dẫn đến bệnh tan huyết ở bào thai và trẻ sơ sinh (HDFN). Ngày nay trên thế giới rất hiếm xảy ra tình trạng này, xác suất chỉ khoảng 3/100.000 thai nhi.
Chứng rối loạn máu là nguyên nhân của căn bệnh thiếu máu chết người và thường trở nên nghiêm trọng hơn ở bào thai thứ 2. Từ đó, tỷ lệ sinh sản thành công của tộc người Neanderthal ngày càng giảm. Các chuyên gia cũng cho rằng ngoài yếu tố di truyền thì nguyên nhân khiến người Neanderthal tuyệt chủng từ 40.000 năm trước là vì sự cạnh tranh môi trường sống đối với người hiện đại.
Như vậy, sau khi sắp xếp các dữ liệu lại với nhau thì các nhà nghiên cứu có thể đưa ra kết luận rằng loài người hiện nay chính là thế lực chủ yếu khiến cho người Neanderthal tuyệt chủng.