Không được sản xuất tinh vi như tiền hiện đại nhưng thời cổ xưa, tiền giấy ở Trung Quốc lại không ai làm giả được.
Tiền giấy thực sự ra đời vào thời Bắc Tống (Trung Quốc) dù trước đó đã tồn tại nhiều hình thức sơ khai của loại tiền này ở nhiều nơi trên thế giới. Người Trung Quốc sử dụng tiền giấy từ thế kỷ VII dưới triều đại nhà Đường, thường được gọi là "phi tệ" và bắt đầu trở nên phổ biến, hình thành một hệ thống thanh toán ngân hàng khá hoàn chỉnh vào thế kỉ X.
Dù tiền giấy thời xưa không được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, tinh vi như ngày nay nhưng không ai có thể làm giả và dám làm giả loại tiền này. Nguyên nhân đầu tiên là vì kĩ thuật vẽ hoa văn tinh xảo của người thợ thời xưa. Người ta sử dụng rất nhiều các họa tiết, hoa văn cầu kì như hoa, chim, côn trùng, cá để tăng độ khó. Có những đồng tiền giấy có hình rồng được chăm chút đến từng tiểu tiết như sợi râu, chiếc vảy, ngay cả những họa sĩ đại tài cũng khó lòng bắt chước được.
Thứ hai, kể cả có thể sao chép y chang các họa tiết trên tiền thì loại giấy dùng để in tiền gần như sẽ là thử thách mà "kẻ làm giả" không thể vượt qua. Bởi, tiền thời xưa sử dụng loại giấy đặc biệt, từ chất liệu cho đến độ dày đều được các quan chức thảo luận kĩ càng để đi đến thống nhất chung. Mọi thứ đều được bảo mật nên chuyện làm giả khó như... lên trời vậy!
Thứ ba, mỗi đồng tiền giấy sẽ được in con dấu đặc biệt chống làm giả. Triều đình đặc biệt cho mời những nghệ nhân kiệt xuất hàng đầu hợp sức thiết kế ra con dấu kì công nhất, đồng thời đem nó bảo quản ở nơi nghiêm ngặt, một con ruồi cũng khó lọt qua.
Cuối cùng, để răn đe, dập tắt ý định làm giả tiền, luật pháp thời xưa đưa ra những hình phạt trừng trị vô cùng nghiêm khắc, nặng nhất là bị xử chém, liên lụy đến cả người thân.