2 lý do khiến binh lính Trung Quốc thời cổ đại không được ăn no dù phải đi chinh chiến cực khổ
Quân lính thời xưa không chỉ thiếu thốn quần áo, chốn ở mà ngay cả ăn uống cũng không được phép ăn no.
Vào thời phong kiến, mong muốn mở rộng lãnh thổ, chống giặc ngoại bang đã thúc đẩy các nước chiêu mộ binh lính càng đông càng tốt. Triều đình liên tục chiêu binh mãi mã, thậm chí ép buộc thanh niên đến tuổi nhất định phải đi tòng quân nếu không sẽ ảnh hưởng đến người thân trong gia đình.
Muốn nuôi lính khỏe thì vấn đề lương thực luôn phải đặt lên hàng đầu, bởi "có thực mới vực được đạo". Thế nhưng, có một sự thật là trong quân đội thời cổ đại, các binh lính phải tuân theo quy định bất thành văn là không được ăn no khi ra chiến trường. Nguyên nhân do đâu?
Đầu tiên, thời xưa binh lính rất đông nên yêu cầu lượng lương thực rất lớn. Thế nhưng mỗi lần đi chinh chiến kéo dài vài tháng trời, nếu mang đủ số lương thực cho quân ăn no đủ thì sẽ rất tốn nhân lực. Chưa kể, vì đàn ông đi lính hết nên trọng trách sản xuất nông nghiệp do phụ nữ gánh vác là chủ yếu, chiến tranh liên miên nên lượng lương thực gửi đi đôi khi sẽ không đủ. Để cân bằng thì người đầu bếp sẽ chuẩn bị suất ăn vừa đủ không làm quân bị đói để tiết kiệm, tránh tình trạng thiếu lương thực, bỏ đói binh lính khiến lòng quân hoang mang, sa sút.
Thứ hai, quân lính không được ăn no để tránh... buồn ngủ. Hiện tượng này đã được nghiên cứu và chứng minh. Sau khi ăn, dạ dày sẽ co bóp, một khối lượng lớn máu sẽ dồn xuống dạ dày thúc đẩy quá trình tiêu hoá, dẫn đến lượng máu lên não và các cơ quan khác giảm đi, làm cho cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ. Thời xưa không có thiết bị hiện đại, việc quan sát hầu hết đều do con người nên buộc quân lính luôn phải trong tình trạng tỉnh táo, cảnh giác, đề phòng địch tấn công bất ngờ. Thêm nữa, ăn no cũng khiến việc di chuyển trở nên khó khăn và không tốt cho sức khỏe của bình lính.