Thường xuyên ở trong cung, thái y không bị hoạn như thái giám hóa ra vì một lý do bất khả kháng
Không đơn giản chỉ là sự ưu ái của vua đối với thái y mà còn nguyên nhân bất khả kháng khác khiến cho thái y không thể bị hoạn.
Hoàng đế thời xưa luôn có hậu cung hùng hậu hàng ngàn giai nhân, ai cũng xinh đẹp khuynh nước khuynh thành nhưng không phải ai cũng thường xuyên được hầu hạ "thiên tử". Trong hoàn cảnh như vậy rất dễ khiến những phi tần không được sủng ái tìm kiếm "chỗ dựa" khác để được an ủi khi cô đơn. Để ngăn chặn tình huống này xảy ra, thường rất ít đàn ông được ra vào hậu cung, chỉ có các thái giám đã trải qua quá trình tịnh thân, trở thành 'bán nam, bán nữ' mới được tự do thoải mái đi lại trong cung cấm.
Tuy nhiên nhiều người không khỏi thắc mắc rằng thái y vốn dĩ cũng ghé hậu cung thăm khám cho phi tần rất thường xuyên, thậm chí còn tiếp xúc gần, nguyên do vì đâu mà không bị tịnh thân như thái giám. Trước hết, xuất thân của thái giám và thái y không giống nhau. Trong khi các thái giám là con nhà nghèo thì thái y thường xuất thân trong một gia đình nhiều đời làm thầy thuốc. Họ thường có những bài thuốc bí truyền chỉ truyền lại cho con cháu hoặc người trong gia tộc. Chính vì thế, thái y không những không bị hoạn mà còn được lấy vợ, sinh con nối dõi tông đường và cũng là có người kế thừa sự nghiệp của ông cha.
Thứ hai, thái y là người thường xuyên chẩn trị bệnh cho hoàng đế và hoàng tộc nên cần có sức khỏe và trạng thái tốt. Trong khi đó, việc tịnh thân sẽ làm cho sức khỏe của đàn ông ít nhiều bị suy yếu, dễ mắc bệnh tật. Vì thế mà các thái y mới "thoát" kiếp bị tịnh thân để đảm bảo việc luôn có sức khỏe tốt để dốc lòng phụng sự nhà vua và triều đình.
Thứ ba, hoàng đế vốn dĩ có sự đề phòng rất lớn đối với thái y. Để ngăn họ tư thông với phi tần của mình, hoàng đế sắp xếp các thái giám "giám sát" quá trình khám bệnh. Ngoài ra còn có nhiều cung nữ là "tai mắt" của "thiên tử" nên rất khó để thái y và phi tần có cơ hội nảy sinh tình cảm với nhau. Thêm vào đó, công việc chữa bệnh vốn đã căng thẳng và mệt mỏi vì nếu làm tốt được thưởng nhưng khi có sơ suất gì nhẹ thì giảm bổng lộc, nặng thì mất chức, bị xử tử và liên lụy đến gia đình. Vì vậy nên thái y không có thời gian tơ tưởng phi tần của vua mà chỉ muốn chuyên tâm làm tốt việc của mình.