Địa danh in trên tờ 50.000 đồng cotton thời xưa cực kì nổi tiếng nhưng địa danh in trên tờ 50.000 đồng polymer hiện đang lưu thông lại không được biết đến rộng rãi.
Trong các tờ tiền đang được lưu hành hiện nay thì tờ polymer 50.000 đồng có giá trị đứng thứ 4, sau tờ 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng. Đồng tiền này được phát hành vào ngày 17/12/2003, cùng lúc với tờ tiền 500.000 đồng (in trên chất liệu polymer).
Ở mặt sau của tờ 50.000 đồng là Phu Văn Lâu và Nghênh Lương Đình - 2 địa danh nằm trên trục dọc của Kinh thành Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam. Đây là hai công trình kiến trúc được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, hiện nay được xếp vào danh sách những di tích lịch sử văn hóa quan trọng của quốc gia và là 2 địa điểm duy nhất của Huế được in trên tiền Việt Nam.
Nghênh Lương Đình được xây dựng vào năm 1852 (thời vua Tự Đức thứ 5) với kiến trúc 1 gian 4 chái, mái lợp ngói ống lưu ly vàng, khung nhà toàn gỗ và được chạm trổ cực kì công phu. Nơi đây khi xưa vốn là địa điểm dùng để tiếp đón vua triều Nguyễn ra hóng mát, du ngoạn sông Hương bằng thuyền, tổ chức các buổi lễ hội của triều đình.
Phu Văn Lâu nằm ngay phía sau Nghênh Lương Đình, là công trình tương đối nhỏ nhưng chứa đựng ý nghĩa lịch sử lẫn văn hóa vô cùng sâu sắc. Được biết, Phu Văn Lâu là địa điểm niêm yết, công bố những chiếu thư của vua nhà Nguyễn, đồng thời cũng là lầu danh dự của giới nho sinh khi bất cứ ai chỉ cần thi đậu tiến sĩ thời nhà Nguyễn cũng sẽ được xướng danh và dán tên tại đây.
Trước khi tờ 50.000 đồng làm bằng chất liệu polymer được phát hành thì tờ 50.000 đồng cũ được làm từ cotton. Mặt sau của tờ tiền cotton này in hình ảnh bến cảng Nhà Rồng ở TPHCM. nằm trên sông Sài Gòn, được xây dựng từ 1864, trên khu vực gần cầu Khánh Hội. Vào ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã từ bến cảng này đi xuống tàu Amiral Latouche Tréville, bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước.