Nhiều người nói Đường Tăng 'dại' khi từ chối ăn quả nhân sâm nhưng nếu biết sự thật thì chắc hẳn ai cũng sẽ càng yêu quý sư phụ hơn.
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng là người dẫn đầu đoàn thỉnh kinh, dĩ nhiên vị thế cũng trên Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng một bậc. Nhà sư đến từ Đại Đường nổi tiếng với tấm lòng từ bi, đức độ, cả đời hướng thiện, giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, có không ít khán giả lại cho rằng đôi khi Đường Tăng lại quá nhu nhược và "dại" một cách khó hiểu.
Ví dụ như trong lúc ghé qua Ngũ trang quán, khi Trấn Nguyên đại tiên sai tiểu đồng mang quả nhân sâm lên mời Đường Tăng, ông nhất quyết từ chối dù đây là loại quả vô cùng quý hiếm trong nhân gian, có công dụng giúp con người trường sinh bất tử. Rốt cuộc nguyên nhân do đâu?
Trên thực tế, ăn quả nhân sâm mà Trấn Nguyên đại tiên mời không hề phạm giới. Tuy nhiên, Đường Tăng một mực không ăn vì lý do tâm linh và đạo đức. Quả nhân sâm có hình dạng giống với hình hài một đứa trẻ sơ sinh đánh thức tâm thiện của ông. Bởi, đối với Huyền Trang đại sư, sự lương thiện không chỉ thể hiện qua thân xác không làm điều ác mà còn phải giữ cho tâm hồn thanh sạch, không vướng ác nghiệp, đặc biệt là luôn bảo vệ cả những hình hài và tạo vật giống với chúng sinh.
Liên kết với hành động của Đường Tăng trong kiếp nạn 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh sẽ thấy ông luôn "trước sau như một" với quan điểm tu tâm tích đức của mình. Dù Tôn Ngộ Không diệt trừ yêu ma cứu sư phụ nhưng trong mắt Đường Tăng thì nó vẫn đang đội lốt phàm nhân. Việc trừ yêu, diệt quái không chỉ là đoạt mạng chúng mà phải bắt nó hiện nguyên hình. Sau này khi đồng hành đủ lâu với Đường Tăng, sát tâm của Tôn Ngộ Không dần biến mất, hắn lĩnh hội được cái thiện mà sư phụ mình lan tỏa. Do đó Tôn Ngộ Không không còn thẳng tay giết yêu quái mà luôn tìm kiếm chủ nhân của chúng để bắt họ chịu trách nhiệm, bảo ban, dạy dỗ lại thú cưng của mình.