Đời sống

2 con gái của Trần Hưng Đạo: Người làm hoàng hậu, người lấy danh tướng tên tuổi lẫy lừng sử Việt

Là con gái của vị tướng đứng trong danh sách 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới, hai quận chúa nhà Trần Hưng Đạo cũng thừa hưởng sự gan dạ và thông tuệ từ cha. 

Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là một nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất kiêm tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần.  Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam và là vị tướng duy nhất nằm trong danh sách 10 vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới do Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh xét phong. 

Tượng đài Hưng Đạo Vương ngày nay

Trần Hưng Đạo có 4 người con trai và 2 người con gái. Các con trai ông toàn những anh tài văn võ song toàn, 2 con gái là quận chúa Quyên Thanh và Anh Nguyên cũng chẳng kém cạnh khi nổi danh xinh đẹp, thông minh dũng cảm và giỏi thao lược cung kiếm.

Tương truyền quận chúa Quyên Thanh là con gái của Hưng Đạo Vương và Công chúa Thiên Thành (sau được tôn là Nguyên Từ Quốc mẫu). Cô từ nhỏ ngoài nữ công gia chánh còn được dạy võ nghệ, binh thư. Xuất thân hiển hách, lại xinh đẹp, tài giỏi nên quận chúa đã được tuyển vào cung làm vợ Đông cung Thái tử Trần Khâm. Sau khi Thái tử đăng cơ, trở thành hoàng đế Trần Nhân Tông vào năm Mậu Dần (1278) thì đến năm sau đó (tức năm Kỷ Mão - 1279), quận chúa Quyên Thanh cũng được sắc phong làm Bảo Thánh Hoàng hậu. Con trưởng của bà và vua Trần Nhân Tông là Trần Thuyên sau này được kế vị, trở thành vua Trần Anh Tông.

Bảo Thánh Hoàng hậu gắn liền với câu chuyện dũng cảm đối mặt với hổ bảo vệ vua Trần Nhân Tông

Không kém cạnh quận chúa Quyên Thanh, quận chúa Anh Nguyên cũng là người có diện mạo xinh đẹp, giỏi cả văn lẫn võ. Thân thế của nàng vẫn là một bí ẩn nhưng chuyện tình của quận chúa với danh tướng Phạm Ngũ Lão đến nay vẫn được lưu truyền. Theo đó, Anh Nguyên quận chúa vô cùng quý mến tài năng và con người của Phạm Ngũ Lão, không màng đến xuất thân nghèo khó của ông. Thế nhưng vì lệ nhà Trần không cho hoàng tộc lấy người ngoại tộc nên có người cho rằng Trần Hưng Đạo đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi để việc gả con gái đi được thấu tình đạt lý. Tuy nhiên, có một số ghi chép khẳng định quận chúa thực sự là con gái nuôi chứ không phải cố tình giáng xuống để gả đi. Bởi trước đó từng có công chúa Nguyệt Hoa - con vua Trần Anh Tông - được gả cho Nghĩa Xuyên công Nguyễn Chế Nghĩa nhưng không cần giả làm con nuôi. 

Tượng thờ Anh Nguyên quận chúa

Sau này, khi tổng hợp lại mọi tài liệu, người ra mới có cơ sở chắc chắn hơn về thân thế Anh Nguyên quận chúa. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn như sau: "Điện súy thượng tướng là Phạm Ngũ Lão chết ở phủ đệ vua ban cho tại vườn cau trong thành, thọ 66 tuổi. Vua nghỉ chầu 5 ngày, đó là ân điển đặc biệt. Ngũ Lão, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, châu Thượng Hồng, tuổi ngoài 20, Hưng Đạo đại vương trông thấy cho là người tài giỏi, đem con gái nuôi gả cho và dùng làm gia thần. Vì được vương dạy bảo thêm cho, nên có tài khí hơn người. Vương tiến cử lên. Ngũ Lão tuy xuất thân trong hàng quân ngũ nhưng thích đọc sách, là người phóng khoáng, có chí làm việc lớn, thích ngâm thơ, về việc võ hình như không để ý đến nhưng quân của ông coi đều một lòng thân yêu như cha với con, đánh đâu tất được đấy".

Bộ Lịch triều hiến chương loại chí phần Nhân vật chí cũng ghi chép rõ ràng về Phạm Ngũ Lão như sau: "Ông người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào. Năm ông ngoài 20 tuổi, Hưng Đạo vương thấy, biết là người có tài lạ bèn gả con gái nuôi cho và tiến cử lên".