Đời sống

Chiếc bát cổ trị giá hơn 600 tỷ đồng là món đồ gốm sứ đắt nhất của Trung Quốc được đấu giá năm 2023

Chiếc bát gốm sứ nhỏ xíu nhưng lại mang giá trị lớn ngoài sức tưởng tượng. Giá trị của nó nằm ở đâu?

Năm 2023 là năm chúng ta chứng kiến ​​sự hạ nhiệt của thị trường nghệ thuật nhưng dĩ nhiên vẫn có nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, món đồ gốm sứ Trung Quốc đắt nhất được đấu giá lại là chiếc bát Falangcai có giá trị lên đến 25,4 triệu USD (hơn 600 tỷ đồng). 

Falangcai, có thể được dịch là 'màu sắc nước ngoài', là một trong những đồ gốm cung đình hiếm nhất và nổi tiếng nhất của triều đại nhà Thanh (1644-1911). Không giống như hầu hết các đồ gốm khác trong thời kỳ đó, việc sản xuất  các món đồ gốm falangcai có quy mô nhỏ, chịu sự giám sát chặt chẽ của Hoàng đế và dành riêng cho triều đình và hoàng gia. 

Được biết chiếc bát Falangcai nổi tiếng có đường kính 11,3 cm, được sản xuất vào thế kỷ 18, có thể là thời hoàng đế Ung Chính (1722 - 1735), tuy nhiên dựa theo men sơn chuyên gia xác định niên đại khoảng từ năm 1736, tức là sau khi vua Ung Chính qua đời. Lần đầu được chú ý vào năm 2006, nó khiến giới mê đồ cổ trầm trồ vì họa tiết là sự kết hợp hài hòa hoàn hảo giữa hội họa, thơ ca và thư pháp.

Với nguồn gốc xuất xứ hoàn hảo, chiếc bát đã qua tay nhiều nhà sưu tập đáng kính trước khi được đưa vào bộ sưu tập của Tiến sĩ Alice Cheng. Vào cuối triều đại nhà Thanh, nó đi với một chiếc bát khác tạo thành một cặp, thuộc về Thuyền trưởng Charles Oswald Liddell (1854 - 1941) - một thương gia buôn bán tàu biển giàu có ở vùng Viễn Đông. Ông chuyển từ Anh đến Trung Quốc để kinh doanh vào năm 1877. Trong thời gian ở đó, ông đã mua được những đồ gốm sứ quan trọng từ đại thần Nhiếp chính cuối cùng của nhà Thanh và thư ký riêng của một quan chức cấp cao, gây dựng nên một bộ sưu tập đồ sứ tư nhân đặc biệt.

Cặp bát này đã được chia đôi trong một cuộc bán đấu giá tại Bluett and Sons, London vào năm 1929, chiếc bát Falangcai hơn 600 tỷ khi đó được mua bởi Charles Ernest Russell (1866 – 1960), chiếc còn lại lọt vào bộ sưu tập của Ngài Percival David và hiện đang được trưng bày. hiện được Bảo tàng Anh lưu giữ.  

Từ năm 1929 đến năm 1956, chiếc bát này thuộc quyền sở hữu của Barbara Hutton, một nhà hoạt động xã hội người Mỹ và cũng là người thừa kế của đế chế Woolworth. Bộ sưu tập đồ sứ nhà Thanh ấn tượng của cô đã được chào bán tại Sotheby's London vào năm 1971. Tại cuộc đấu giá đó, chiếc bát hiện tại đã được mua bởi JT Tai, một nhà sưu tập nổi tiếng có mối liên hệ chặt chẽ với các tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc có chất lượng được đảm bảo.

 Tiến sĩ Alice Cheng

Người chủ quá cố, người đặc biệt yêu quý chiếc bát, là Robert Chang, người đã mua chiếc bát này từ năm 1987 đến năm 1993. Sinh ra ở Thượng Hải vào những năm 1920, ông đến Hồng Kông vào năm 1948 và bắt đầu sự nghiệp buôn bán đồ cổ cực kì thành công. Khi nghệ thuật Trung Quốc ngày càng được đánh giá cao, ông bắt đầu xây dựng một bộ sưu tập của riêng mình, tập trung vào gốm sứ. Khi ông bán chiếc bát hiện tại vào năm 2006 với giá 151,3 triệu đô la Hồng Kông, nó đã trở thành viên ngọc quý trong bộ sưu tập của em gái ông, Tiến sĩ Alice Cheng. Bà là người gốc Thượng Hải, sau chuyển đến Hồng Kông định cư ở tuổi bốn mươi, xây dựng hàng loạt dự án kinh doanh thành công ở thành phố và Trung Quốc đại lục trong các lĩnh vực dầu khí, bất động sản, công nghệ thông tin và vận tải.