Thảm họa lũ quét đau thương ở Làng Nủ: Các chuyên gia nhận định nguyên nhân ban đầu
Thảm họa xảy ra ở làng Nủ đến nay vẫn để lại trong lòng người dân Việt Nam nỗi thương tiếc khôn nguôi, xót xa cho những người dân vô tội bị bỏ mạng trong trận lũ quét lịch sử ở đây.
Thôn Làng Nủ nằm gần chân núi Voi, thuộc địa phận Lào Cai, có 167 hộ với tổng cộng 760 đồng bào người Tày. Vào sáng ngày 10/9 vừa qua, tại đây đã xảy ra một trận lũ quét khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương hồi cuối tháng 9 xác định có 58 người chết, 9 người mất tích trong thảm họa lũ quét.
Sáng 2/10, Khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội đã tổ chức hội nghị khoa học với tên gọi 'Thảm họa Làng Nủ - Nguyên nhân và giải pháp phòng tránh'. Hội nghị này thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia địa chất đã đến tận Làng Nủ để thực địa. Nguyên nhân xảy ra thảm họa tại Làng Nủ ban đầu được các chuyên gia nhận định là do lũ bùn đá thường xảy ra trong những đợt mưa lớn, kéo dài nhiều ngày tại các lưu vực suối ở vùng núi. Các khu vực này thường có địa hình dốc, vỏ phong hóa/tầng đất dày.
PGS. TSKH. Vũ Cao Minh đã nêu ra quan điểm phòng tránh cơ bản cho các hộ dân sống ở khu vực dưới chân các đồi, núi, đặc biệt là các gia đình nằm ở vị trí cắt xẻ phần chân sườn các đồi, núi khi xuất hiện các vết nứt trên đồi có kích cỡ một vài mét. Ông cho biết: "Khi thấy có vết nứt, biện pháp đơn giản nhất là che phủ bạt, hoặc dùng các tấm tôn che, các tấm không thấm nước ghim các ghim thép để làm sao không thấm vào trong, bởi nước thấm vào trong sẽ làm cho áp lực lớn, dễ sạt hơn. Nếu chúng ta ngăn nước vào thì sẽ giảm được tốc độ và những nguy cơ phát sinh. Chúng ta cũng phải thiết kế các ống thoát nước ngang để rút nước từ trong mái dốc ra".
Yếu tố có tác động lớn nhất đến việc trượt lở đất chính là mưa. Do đó, chuyên gia kiến nghị cần xây dựng hệ thống quan trắc mưa dày đặc hơn để tăng khả năng phát hiện mưa lớn cực đoan từ sớm, đi kèm với đó là sử dụng các ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo. Truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến người dân nhanh nhất và triển khai các biện pháp ứng cứu kịp thời.
"Giải pháp trước mắt là ứng phó, xây dựng các bộ cơ sở dữ liệu, thành lập hệ thống bản đồ các loại hình ví dụ như nhà cửa, đường sá, giao thông như thế nào. Mục tiêu cuối cùng là không có thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sả. Tiếp theo là cảnh báo và hành động sớm", Gs Đỗ Minh Đức nhấn mạnh. Tất nhiên, chính quyền địa phương cùng người dân cần tự cảnh giác mọi sự bất thường và cực đoan của thời tiết và lên sẵn các kịch bản ứng phó trong những tình huống xấu nhất.