Đời sống

Nữ GS kéo cờ Tổ quốc tại quảng trường Ba Đình 2/9/1945: Bố là GS huyền thoại, anh cả được Bác Hồ trao bằng tốt nghiệp

Nữ GS kéo cờ Tổ quốc tại quảng trường Ba Đình 2/9/1945: Bố là GS huyền thoại, anh cả được Bác Hồ trao bằng tốt nghiệp

Xuất thân trong một gia đình đại trí thức yêu nước nên Giáo sư Dương Thị Thoa từ sớm đã mang trong mình tình yêu quê hương và khao khát cống hiến cho Tổ quốc mãnh liệt. 

Giáo sư Dương Thị Thoa (1926 – 2020) xuất thân trong một gia đình Nho học. Bố của bà chính là giáo sư nổi tiếng của sử Việt - Giáo sư Dương Quảng Hàm. Tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình, bà Thoa tham gia mặt trận Việt Minh, hoạt động bí mật trong Đoàn Phụ nữ Cứu quốc từ năm 1945, khi mới 19 tuổi. Bà còn được biết đến với bí danh Lê Thi khi hoạt động cách mạng, trong đó Lê là họ của vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ), còn Thi là tên một người bạn thân của bà.

Chân dung bà Dương Thị Thoa hồi trẻ 

Trong buổi sáng ngày 2/9/1945, cô thanh niên Dương Thị Thoa hăng hái gia nhập đoàn diễu hành của Liên khu 1, vừa bước đi vừa hô vang khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập muôn năm". Đáng chú ý, trong cùng ngày, bà cùng với bà Đàm Thị Loan là hai người phụ nữ được giao trọng trách kéo lá cờ Tổ quốc tại quảng trường Ba Đình. 

GS Dương Thị Thoa và bà Đàm Thị Loan hội ngộ tại Quảng trường Ba Đình năm 1997

Lúc sinh thời, bà Thoa từng chia sẻ về khoảnh khắc đặc biệt nhất đời mình rằng: "Việc tôi được chọn kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập là hoàn toàn ngẫu nhiên, không hề được báo trước. Đang đứng trong hàng, có người nói: “Các cô cử một người lên kéo cờ”. Tôi đang đứng ở ngay đầu hàng, các đồng chí trong hàng đều nói: “Thi lên đi”. Thực sự, lúc đó tôi sợ lắm, tự nhiên nói lên kéo cờ là lên, chẳng được báo trước gì cả! Đang lưỡng lự thì trên gọi, dưới thúc, nên tôi “liều” bước lên”.

Sau ngày Quốc khánh lịch sử đó, bà Thoa công tác trong Hội Phụ nữ Cứu quốc khu Hoàn Kiếm với vai trò hội trưởng. Cô gái đôi mươi đầy nhiệt huyết khi đó rong ruổi khắp nẻo đường để cùng các cán bộ cách mạng quyên góp gạo và nhu yếu phẩm để hỗ trợ người nghèo, dạy chữ quốc ngữ xóa nạn mù chữ cho người dân. 

Năm 1946, bà Thoa gia nhập đội cảm tử quân thuộc Trung đoàn Thủ đô và chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội. Sau khi rút lên chiến khu Việt Bắc, bà trở thành cán bộ phụ nữ, cùng bộ đội trèo đèo, lội suối làm công tác dân vận bất chấp sự thiếu thốn, đói khổ trong suốt 4 năm. Đến năm 1950 thì bà trở lại Hà Nội và hoạt động bí mật. Bà đi học lớp chính trị cao cấp đầu tiên tại Trường Nguyễn Ái Quốc vào năm 1957, sau đó trở thành cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tại chính ngôi trường này. Trước khi nghỉ hưu, Giáo sư Dương Thị Thoa có nhiều năm đảm nhiệm vai trò Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam (Ủy ban Khoa học xã hội - Nhân văn Quốc gia).

GS Dương Thị Thoa năm 90 tuổi

Không chỉ bà Thoa mà anh chị em của bà cũng đều thuộc tầng lớp tinh anh của đất nước: Anh cả Dương Bá Bành (SN 1920) là lớp bác sĩ y khoa đầu tiên tốt nghiệp Y khoa Đại học thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân trao bằng tốt nghiệp; Chị gái  Dương Thị Ngân (SN 1923) là phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, là người đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch. Anh trai  Dương Trọng Bái là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội; Em gái Dương Thị Duyên (SN 1929) là nguyên Ủy viên Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời cũng là phóng viên nữ Việt Nam Thông tấn xã đầu tiên đi cùng phái đoàn Việt Nam tham gia đàm phán tại Hội nghị Paris; Em gái út Dương Thị Cương (SN 1932) là người đầu tiên được giải thưởng Kovalevskaia (năm 1999), từng đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh, Chủ nhiệm bộ môn Phụ sản - Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội Sản phụ khoa và Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam,

Nhờ vinh dự kéo cờ trên quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 mà bà đã có cơ duyên gặp được người chiến sĩ bảo vệ dưới chân cột cờ Lê Hồng Hà. Cả hai đã nảy sinh tình cảm khi tái ngộ sau khoảng thời gian khá lâu kể từ lần gặp đầu. Họ xây dựng mái ấm riêng và sống hạnh phúc bên nhau trọn đời. Giáo sư Dương Thị Thoa qua đời tại nhà riêng 62 Ngô Quyền (Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào ngày 28/8, hưởng thọ 95 tuổi.