Nổ mìn khai thác đá ai ngờ đụng trúng hang động lạ, cả công trường lập tức bị phong tỏa trong suốt 40 năm
Ẩn dưới công trường khai thác đá là một lăng mộ hoàng gia rộng lớn chứa đựng vô số bảo vật quý giá có niên đại hàng ngàn năm.
Vào năm 1979, tại công trường ở thị trấn Thiên Sơn, thành phố Cao Bưu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, trong lúc công nhân cho nổ mìn khai thác đá trên núi Thần Cư, cách thành phố cổ Dương Châu 45km về phía Bắc, ai nấy đều kinh ngạc khi phát hiện bên dưới hố mìn nổ là một "hang động" kỳ lạ. Sự việc lập tức được báo cáo lên cấp trên và hiện trường cũng nhanh chóng được phong tỏa.
Một đội khảo cổ từ Bảo tàng Nam Kinh và Bảo tàng Dương Châu được phân phó đến xem xét hiện trường nơi phát hiện ra "hang động" kỳ lạ. Sau khi thực địa, nhóm chuyên gia không khỏi sửng sốt khi "hang động" này hóa ra lại là một lăng mộ cổ có niên đại từ giữa và cuối thời Tây Hán. Toàn bộ khu lăng mộ có diện tích lên đến 230m², với kích thước chiều dài x chiều rộng lần lượt là 16,65m x 14,28m. Nó được xếp vào một trong những lăng mộ cổ lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại.
Mặc dù lăng mộ đã bị hư hại nghiêm trọng sau vụ nổ nhưng các chuyên gia khảo cổ vẫn có thể xác định được nguồn gốc của nó dựa trên các đặc điểm kiến trúc và cổ vật tùy táng. Theo đó, chủ nhân ngôi mộ là con trai thứ năm của Hán Vũ Đế - Quảng Lăng Lệ Vương Lưu Tư. Vì địa vị cao quý nên những món đồ được bồi táng theo ông cũng cực kì giá trị, có thể kể đến bộ giáp bằng ngọc bích, vô số hiện vật quý giá bằng vàng, đồng, đồ gỗ và đồ gốm. Chúng hầu hết đều là hàng hiếm được chế tác tinh xảo và bảo quản tốt. Sự xuất hiện cùa những di vật này đã làm chấn động giới khảo cổ học Trung Quốc thời điểm đó.
Đáng chú ý, độ xa hoa của lăng mộ còn thể hiện ở việc tất cả gỗ trong đó đều là loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới - Kim tơ nam mộc vàng. Loại gỗ này thời xưa vốn được hoàng gia, quý tộc vô cùng yêu thích, có đặc trưng là các thớ gỗ mịn màng như sợi tơ vàng, tỏa sáng óng ánh dưới ánh nắng. Các chuyên gia thống kê được trong lăng có tổng cộng 856 miếng gỗ được kết nối và cố định với nhau qua một kết cấu rất lạ. Nếu so với giá gỗ Kim tơ nam mộc vào năm 2013 là 20 triệu NDT (tương đương hơn 70 tỷ đồng)/1 miếng nhỏ thì số gỗ trong lăng của Lưu Tư rơi vào khoảng 171,2 tỷ NDT (khoảng 600.000 tỷ đồng).
Để thuận tiện cho việc bảo quản các món cổ vật trong lăng, người ta đã di dời toàn bộ đến Dương Châu, tỉnh Giang Tô vào năm 1992 để trùng tu và phục dựng toàn bộ về trạng thái ban đầu. Bảo tàng lăng mộ Quảng Lăng vương cũng ra đời, được Cục Quản lý Di sản Văn hóa Trung Quốc xếp hạng là di tích văn hóa cấp quốc gia và trở thành địa điểm tham quan yêu thích của du khách trong và ngoài nước.