Hoàng đế say rượu lỡ chê phi tần 'già' liền nhận cái kết 'đắng', bị đè chăn đến khi tắt thở rồi qua đời
Ngay cả đến hoàng đế nếu dám chê phụ nữ 'già' thì cũng không thoát khỏi kết cục thê thảm, âu cũng là họa tự chuốc lấy.
Tấn Hiếu Vũ Đế (362 - 396) tên thật là Tư Mã Diệu, vốn là hậu duệ của Tư Mã Ý thời Tam quốc. Ông là vị vua thứ 14 của nhà Tấn, cai trị vương triều Đông Tấn vào thế kỉ 4. Đăng cơ khi mới 10 tuổi, khi lên 13, Tấn Hiếu Vũ Đế kết hôn với Vương Pháp Huệ hơn 3 tuổi, là con gái một đại thần. Vương Hoàng hậu yểu mệnh, sau 5 năm mặn nồng thì bất ngờ qua đời. Xót thương người vợ đầu, Tấn Hiếu Vũ Đế từ đó chỉ nạp phi thiếp chứ không lập thêm hoàng hậu nào.
Trong hậu cung của ông, người được sủng ái nhất chính là Trương Quý nhân. Nắm quyền lực khi còn trẻ nên vua dần sa ngã vào tửu sắc, bỏ bê triều chính. Trương Quý nhân thường xuyên được triệu kiến để hầu hạ vua. Cho đến một ngày tháng 9 (Âm lịch) năm 396, trong cơn say, Tấn Hiếu Vũ Đế lỡ buông lời chê bai Trương Quý nhân rằng: "Dựa trên tuổi của nàng, nàng nên nhường lại vị trí của mình. Trẫm cần một ai đó trẻ hơn". Dù mới chỉ 30 tuổi song so với hậu cung khi đó, Trương Quý nhân cũng được xem là phi tần lớn tuổi.
Cũng có một giai thoại khác đề cập đến việc Tấn Hiếu Vũ Đế ép Trương Quý nhân uống rượu dù biết nàng tửu lượng không tốt. Phi tần một mực từ chối khiến vua buông lời giận dữ: "Nàng năm nay gần 30 tuổi, nhan sắc không còn như xưa, lại không sinh được con cho trẫm, phí cả phong hiệu quý nhân, ngày mai trẫm sẽ phế nàng tuyển người mới".
Tấn Hiếu Vũ Đế không ngờ rằng lời chê bai của mình đã khiến cho Trương Quý nhân nổi giận. Nàng ta không nói không rằng lệnh cho các hoạn quan rời đi, ban rượu cho họ uống. Sau đó, Trương Quý nhân gọi thêm một số tỳ nữ thân cận cùng mình chăn đè lên mặt hoàng đế đến khi ông ngạt thở rồi băng hà. Xử lý xong người đứng đầu nhà Đông Tấn, Trương Quý nhân dùng tiền để "bịt miệng" tất cả tỳ nữ, tung tin Tấn Hiếu Vũ Đế qua đời khi ngủ. Ông khi đó mới bước sang tuổi 34.
Sự ra đi của Tấn Hiếu Vũ Đế cũng là dấu chấm hết cho giai đoạn hoàng đế nhà Tấn nắm thực quyền. Bởi, các con cháu của ông sau này khi đăng cơ đều chỉ là bù nhìn, bị các đại thần và giới quân phiệt thao túng. Về phần Trương Quý nhân, tung tích của bà sau này không được đề cập đến nữa nên không ai rõ số phận của phi tần "to gan" này ra sao.