Tộc người bí ẩn ở Việt Nam: Thế kỉ 20 mới được phát hiện, có nhiều tập tục kì lạ
- Tộc người suýt tuyệt chủng của Việt Nam sở hữu rừng gỗ sưa trăm tỷ, 20 năm không bán một cây nào
- Ngư dân Hà Tĩnh thả lưới vớt được 3 bảo vật quốc gia có từ thời vua Minh Mạng, 1 món suýt bị bán sang Trung Quốc
- Loài cá tuyệt chủng nhiều năm ở Việt Nam bỗng tái xuất, ngư dân tưởng 'bắt được vàng' hóa ra lại gặp 'rắc rối' lớn
Cho đến nay, tộc người được phát hiện muộn nhất tại Việt Nam là tộc người A Rem. Năm 1956, trong chuyến tuần tra rừng, bộ đội biên phòng của nước ta đã tìm thấy những người A Rem đang sinh sống trong các hang đá ở giữa núi rùng Phong Nha - Kẻ Bàng. Trước đó, họ từng định cư ở các địa điểm được gọi là Rục hay Bòn Bòn nhưng vì bom đạn chiến tranh nên phải chạy vào rừng sâu ở dãy Trường Sơn để ẩn náu.
Lúc mới được phát hiện, dù đã là thế kỉ 20 nhưng người A Rem vẫn ăn lông ở lỗ như người nguyên thủy, làm khố từ vỏ cây và đồ ăn thức uống chủ yếu không qua đun nấu. Ban đầu, dân số của người A Rem có tăng 110 người từ thời điểm được tìm ra nhưng đến năm 1960, tộc người này cận kề với nguy cơ tuyệt chủng khi chỉ còn vài chục người. Trong 4 năm, số lượng người A Rem suy giảm nghiêm trọng vì chiến tranh, dịch bệnh và đói kém. Chính quyền và người dân xung quanh đã giúp đỡ người A Rem bằng cách xây nhà, cấp màn chiếu, bò giống cho họ sinh sống và phát triển kinh tế. Đến đầu năm 1992, Nhà nước hỗ trợ người A Rem theo dự án Bảo tồn và phát triển những tộc người có nguy cơ biến mất. Từ đó người A Rem đã có bản riêng ở xã Tân Trạch.
Tưởng như cuộc sống của họ dần ổn định và phát triển từ đây thì cuối năm 2002, sau gần nửa thế kỉ rời hang đá, người A Rem bất ngờ mắc căn bệnh bí ẩn khiến họ vàng da, trướng bụng, mắt mờ… và nhiều người đã qua đời vì căn bệnh này. Cho rằng bị thần rừng phạt vạ, người A Rem rơi vào hoang mang, thậm chí còn có một số hộ muốn quay lại hang đá trong rừng sinh sống. Sau khi chính quyền các cấp cùng các nhà khoa học tìm hiểu kĩ càng đã phát hiện ra nơi người A Rem sống từng là kho xăng phục vụ cho toàn tuyến đường 20 Quyết Thắng thời chiến tranh. Hóa chất từ xăng ngấm vào nguồn nước khiến cho người dân sử dụng sinh bệnh lạ. Chia sẻ về giai đoạn khó khăn này, già làng Đinh Rầu kể: “Khi phát hiện đất này nhiễm xăng, dầu nặng ông Bí thư đã nói với dân bản không phải thần rừng phạt vạ mà bệnh tật của dân bản là do hóa chất từ xăng dầu ngấm vào nguồn nước mà ra. Một vùng đất mới được ông Bí thư và các già làng, trưởng bản tìm thấy để dựng bản mới, tránh nơi ô nhiễm nguồn nước. Ông ấy đã lặn lội vào rừng tìm từng người dân giải thích, động viên rời hang đá về xây dựng bản mới. Cũng may, lúc đó lãnh đạo TPHCM nghe tin và tặng luôn 47 căn nhà cho bà con và một bản mới của người A Rem được hình thành tại cây số 39, đường 20 - Quyết Thắng”.
Để người A Rem ổn định, không tơ tưởng đến nơi ở cũ nữa, nhà nước cùng các cấp chính quyền giúp đỡ họ trồng rừng sưa đỏ - loại cây lấy gỗ quý hiếm, đắt đỏ bậc nhất hiện nay và cũng là loài gắn bó với người A Rem từ thưở còn ăn lông ở lỗ trong rừng sâu. Gần 20 năm trồng sưa, giờ đây rừng sưa của người A Rem đã phủ xanh 8ha đất, nhiều cây đã có lõi đỏ au, được định giá hàng trăm tỷ đồng. Người A Rem vốn là tộc người tôn thờ thần rừng nên họ rất quý trọng những cây gỗ, tận tâm bảo vệ rừng sưa, quyết không bán dù chỉ một gốc.
Ngoài thờ thần rừng, người A Rem còn thờ thần sông, thần lúa. Họ có ngôn ngữ riêng và luôn ý thức giấu tiếng nói của mình, không truyền dạy cho người ngoài. Đặc biệt, tộc người này thích sinh con gái, coi con gái là tài sản quý của gia đình. Con trai muốn hỏi cưới con gái phải làm lễ bỏ của với năm hũ rượu, mười nén bạc, hai con gà trống và tiền mặt. Nếu để vợ bỏ về mà muốn xin lại thì phải đem 3 hũ rượu, ba con gà trống và cả tiền mặt sang nhà gái để làm lễ và số lễ vật sẽ còn tăng gấp đôi nếu để vợ bỏ về nhà bố mẹ đẻ thêm lần nữa. Đáng chú ý, người Arem có tục nối dây, người em trai hoặc anh trai có vợ mất thì người anh trai hoặc em trai phải lấy chị dâu hoặc em dâu làm vợ. Sau này nhờ sự vận động của chính quyền mà tục lệ này cùng một số tập tục cũ lạc hậu đã dần bị bãi bỏ.
Tộc người suýt tuyệt chủng của Việt Nam sở hữu rừng gỗ sưa trăm tỷ, 20 năm không bán một cây nào
Được phát hiện khi chỉ còn vài chục người, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, tộc người được phát hiện muộn nhất tại Việt Nam sau này lại là chủ nhân của rừng gỗ sưa hàng trăm tỷ đồng.