Kiến thức nhiếp ảnh

Chơi đồ ảnh: Tập trung vào ống kính

Chơi đồ ảnh: Tập trung vào ống kính

Những người mới theo nghiệp chơi ảnh thường có tâm lý giống nhau: Coi trọng thân máy hơn ống kính.

DSLR có một đặc điểm quan trọng, làm nó nổi bật hơn hẳn so với những chiếc máy ảnh “ngắm-chụp” cơ bản, đó là khả năng thay đổi ống kính. Có thể nói, những ống kính chất lượng cao được các hãng đầu tư rất nhiều công sức nghiên cứu đã làm nên sức mạnh và sự hấp dẫn của những chiếc máy ảnh chuyên nghiệp (mà DSLR chỉ là một trong số đó).

Chơi đồ ảnh: Tập trung vào ống kính-image-1381308120462

Khả năng thay ống kính là sức mạnh của các dòng máy chuyên nghiệp

 

Thế nhưng, với một “newbie”, không khó để nhận ra rằng, họ thường sai lầm khi dành khoản tiền đầu tư của mình cho thân máy (body) trước tiên, rồi dành khoản tiền còn lại để mua ống kính chứ, chứ hiếm khi làm ngược lại.

Tại sao người dùng quan tâm tới thân máy hơn ống kính?

Phải thừa nhận, nếu chưa có kinh nghiệm “tác chiếc”, người ta sẽ nghĩ những cảm biến tân tiến, khả năng chụp thiếu sáng xuất sắc, việc đo sáng chuẩn xác trên các thân máy đời mới, cao cấp thật hấp dẫn so với những thứ gọi là khẩu độ, trường nét hay viền tím, tối góc. Thậm chí ngay cả các nhà sản xuất cũng chú trọng vào việc giới thiệu về những chiếc máy ảnh của mình, hơn là về những ống kính.

Chơi đồ ảnh: Tập trung vào ống kính-image-1381307506520

Các hãng sản xuất thường tập trung PR cho những thân máy, hơn là ống kính

Suy nghĩ này đến từ lý do lịch sử, khi mà nhiếp ảnh là một thú chơi, một nghề nghiệp chuyên biệt, vốn không dành cho người dùng “amateur”. Các thiết bị ngành ảnh, đặc biệt là ống kính, có giá thành cao và không chỉ những tay máy chuyên nghiệp mới là khách hàng. Những người này thì đi mua đồ ảnh không cần … đọc quảng cáo. Hậu quả là các nhà sản xuất không có thói quen quảng cáo ống kính, và nghiễm nhiên người ta cho rằng đó là “phụ kiện” chứ không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng hình ảnh.

Thế nhưng, ngày nay, sau cả một thập kỷ “bình dân hóa”, DSLR không còn là một mặt hàng quá xa xỉ, mặc dù vẫn còn một số dòng máy thực sự đắt đỏ như Leica, Hasselblad. Người tiêu dùng thông thường có thể mua máy DSLR để cho các nhu cầu cá nhân như chụp ảnh gia đình, lưu niệm hay đơn thuần là chụp ảnh vì sở thích. Người ta cũng “bạo chi” hơn với sở thích của mình, bằng chứng là nhiều dòng ống kính cao cấp, giá đắt, nhưng được đánh giá tốt vẫn có doanh số cao. Tư duy của những người làm quảng cáo ở các hãng máy ảnh có lẽ cần phải thay đổi.

Chơi đồ ảnh: Tập trung vào ống kính-image-1381307602762

Câu hỏi thường xuất hiện trên các diễn đàn nhiếp ảnh là nên mua body nào?

Hệ quả của những lý do ấy, là người chơi ảnh hiện nay khi lên các diễn đàn hỏi về mua đồ ảnh, thì 5 lần hỏi về mua thân máy nào may ra mới có 1 lần hỏi về chọn ống kính nào. Những câu hỏi “Chọn Canon 7D hay Nikon D7100” hay “Chọn 60D hay 650D” xuất hiện áp đảo so với những câu hỏi như kiểu “Chọn 50 1.4 hay 85 1.8”.

Ống kính liệu có thực sự quan trọng?

Câu trả lời là có, và là một điều tất nhiên. Nếu không, chẳng có lý do gì mà người ta phải tạo ra dòng máy có khả năng thay ống kính!

Nhiếp ảnh là nghệt thuật chơi với ánh sáng. Chất lượng của một bức ảnh thu được dựa chính vào 2 yếu tố: thân máy và ống kính (ta bỏ qua yếu tố trình độ người chụp và các phụ kiện đi kèm).

Chất lượng hình ảnh bị ảnh hưởng 1 phần bởi chất lượng của cảm biến trang bị trên thân máy. Với một thân máy có cảm biến độ nhạy sáng tốt, đo sáng tốt, ánh sáng thu được sẽ “chuẩn”, và hình ảnh sẽ thu được tốt hơn. Tuy nhiên, thân máy chỉ làm nhiệm vụ tái tạo lại hình ảnh từ ánh sáng thu được.

Vậy còn ánh sáng thu được từ đâu? Xin thưa đó là nhờ ống kính. Một ống kính chất lượng thấp, có độ phân giải quang học kém, thì dù độ phân giải và chất lượng cảm biến có tốt đến mấy vẫn tạo ra một bức ảnh mờ nhòe, thiếu sắc nét. Đó là vì ánh sáng đi vào cảm biến lúc này đã bị tán sắc, bị “bẻ cong” nhiều, không còn chân thực được như khi ta sử dụng các ống kính chất lượng cao.

Chơi đồ ảnh: Tập trung vào ống kính-image-1381307678581

Ống kính chất lượng cao đem lại những lợi ích rõ rệt mà việc xử lý hậu kỳ nhiều khi không thể bù đắp

Một ống kính chất lượng cao sẽ xử lý tốt các hiện tượng như “bóng ma” (ghost), flare (lóa), cho bokeh đẹp hơn, những thứ mà chỉ có thể “cải tạo” sau khi mất rất nhiều công sức xử lý hậu kỳ.

Thêm nữa, khả năng lấy nét của những ống kính chất lượng cao sẽ nhanh và chính xác hơn rất nhiều một ống kính rẻ tiền. Bạn có thể xử lý một bức hình về màu sắc, về hiệu ứng, nhưng bạn sẽ làm gì với một bức hình out nét? Tôi tin là chỉ những “thợ” sửa ảnh với tay nghề cao nhất mới có thể “cứu” những bức ảnh như vậy.

Một ống kính chất lượng cao thường cũng có kết cấu bền vững, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt (mưa nhỏ, cát bụi), và là lựa chọn hàng đầu cho các tay máy chuyên nghiệp hoặc các “phượt thủ”.

Chơi đồ ảnh: Tập trung vào ống kính-image-1381307770385

Ống kính chất lượng cao thường có độ bền và khả năng chống chịu thời tiết tốt hơn hẳn

Ống kính quan trọng hơn thân máy?

Đây lại là một câu hỏi mà người viết phải trả lời “Đúng”. Người dùng, không kể người dùng chuyên nghiệp hay nghiệp dư, đều có xu hướng thay thân máy sau 2 đến 3 năm sử dụng (điều này có thể thấy rõ qua việc đổi máy của các studio, cũng như chu kỳ ra các dòng máy của các hãng). Trong khi ấy, với một ống kính chất lượng cao, rất hiếm khi ta thấy chúng được bán lại với mục đích “nâng cấp”. Các hãng cũng rất hiếm khi ra mắt một phiên bản cao cấp hơn của một dòng ống kính sẵn có.

Chơi đồ ảnh: Tập trung vào ống kính-image-1381307839216

Những ống kính chất lượng cao không hề giảm cả về giá và giá trị qua thời gian

Với một ống kính cao cấp, người ta có thể sử dụng đến hàng chục năm, điều này có thể thấy rất rõ với việc nhiều ống kính có tuổi đời hơn nửa thế kỷ của Carl Zeiss hay Leica hiện vẫn có giá rất cao và được săn lùng ráo riết. Những ống kính có chất lượng cao giữ giá lâu hơn rất, rất nhiều so với những thân máy, vốn có “vòng đời” ngắn hơn nhiều.

Thế nào là một ống kính tốt?

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của một ống kính, tuy nhiên những tiêu chí dưới đây thường được sử dụng để đánh giá đầu tiên:

- Chất lượng của ống kính (khả năng chống va đập, chống chịu thời tiết, các công nghệ đi kèm như lấy nét, chống rung,...).

- Số lượng thấu kính/nhóm được sử dụng.

- Độ mở tối đa của ống kính (f/stop).

- Chất lượng của các thấu kính và lớp tráng phủ: có thể đánh giá qua các thông số về độ nét, độ nổi khối, màu sắc, tương phản của ảnh chụp ra.

Về mặt chất lượng, những ống kính tốt và tương thích tốt nhất cho một dòng máy thường tới từ chính nhà sản xuất thân máy ấy (còn về chất lượng tuyệt đối thì chưa chắc chắn). Lấy ví dụ như bạn sử dụng Canon, các ống kính Canon (đặc biệt là dòng L với viền đỏ) sẽ là lựa chọn tốt nhất. Trong khi đó với Nikon, bạn sẽ có các ống kính Nikkor, đặc biệt là dòng ống với chữ “Nano” được trang bị lớp tráng phủ tuyệt vời. Tương tự như vậy, Zuiko là lựa chọn tốt với các dòng máy Olympus.

Chơi đồ ảnh: Tập trung vào ống kính-image-1381307902313

Ống kính dòng L của Canon là lựa chọn tốt nhất cho body của hãng

Chơi đồ ảnh: Tập trung vào ống kính-image-1381307948572

 

Tương tự là dòng ống Nano của Nikon

 

Dĩ nhiên, những nhà sản xuất phụ kiện như Tamron hay Sigma cũng có những lựa chọn chất lượng tốt có thể thay thế ống kính “chính hãng” với mức giá rẻ hơn nhưng số lượng này không nhiều. Hầu hết các ống kính từ nhà sản xuất thứ ba như thế chủ yếu để giải quyết bài toán chi phí (giá rẻ hơn) hoặc tính năng (bù đắp những lựa chọn còn thiếu) mà thôi.

Lựa chọn ống kính: Hãy tuân theo nhu cầu của bạn!

Thứ làm mất thời gian và tiền bạc nhiều nhất, ấy là mua những thiết bị không đáp ứng được công việc cũng như nhu cầu của bạn.

Nếu bạn chỉ chụp chân dung hoặc sản phẩm, một ống kính tiêu cự cố định (fix) là một lựa chọn thích đáng, vì chúng có trọng lượng nhẹ nhàng, chất lượng hình ảnh cao, độ sắc nét đảm bảo nhu cầu. Các ống kính chuyên biệt cho mục đích này thường nằm ở tiêu cự 85 đến tầm 200mm. Một vài ống kính có thể kể đến là ống kính 85 f/1.8 hay ống kính 135 f/2 của Canon.

Chơi đồ ảnh: Tập trung vào ống kính-image-1381307995295

Canon 135 f2L, một trong những ống kính chụp chân dung rất tốt

Với dân chuyên nghiệp, để tránh mất thời gian tháo lắp và di chuyển để lấy bố cục, có thể lựa chọn một vài ống kính thay đổi tiêu cự (zoom) chất lượng cao. Có thể kể đến đầu tiên là các dòng ống 70-200 hay 24-70, hai ống zoom cơ bản và được các hãng tập trung phát triển nên đều có chất lượng rất cao.

Chơi đồ ảnh: Tập trung vào ống kính-image-1381308065247

24-70mm f2.8L, một trong những ống zoom xuất sắc nhất của Canon

Nên chú ý, với các ống kính zoom, một ống kính cao cấp thường sẽ có khẩu độ cố định. Nghĩa là khi bạn sử dụng bất cứ tiêu cự nào, khẩu độ tối đa của ống kính cũng không thay đổi. Các ống kính có “2 khẩu” thường có chất lượng khá tồi, đặc biệt là các ống kính kit bán kèm với các thân máy phổ thông.

Đọc thêm: Kinh nghiệm mua máy ảnh ống kính rời cũ

Thanh Hải