Bài viết này sẽ điểm tên một vài ống kính for được nhiều người dùng tại Việt Nam sử dụng và đánh giá cao ở tầm giá 10 triệu đồng.
Ở trên thế giới thì việc dùng ống kính for (ống kính của các hãng thứ 3 như Sigma, Tamron, …) là rất phổ biến, do giá thành tốt và chất lượng cũng không hề tồi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do tâm lý chuộng hàng “chính hãng” nên những dòng lens của Nikon, Canon hay Pentax vẫn có doanh số cao hơn hẳn so với những sản phẩm “for” này.
Tuy nhiên, vẫn có một số ống kính for dành được sự quan tâm của nhiều người dùng, mặc dù sau này có điều kiện họ thường “đẩy” đi để lên những ống kính cao cấp (dòng L của Canon, dòng Nano của Nikon chẳng hạn). Dù sao thì, với mức đầu tư hợp lý hơn nhiều, cộng với việc chất lượng đã được nhiều tay máy khẳng định, những ống kính này vẫn là lựa chọn sáng giá cho những nhiếp ảnh gia muốn tiết kiệm chi phí.
Bài viết này sẽ điểm tên một vài ống kính for được nhiều người dùng tại Việt Nam sử dụng và đánh giá cao ở tầm giá 10 triệu đồng, một mức giá mà đa phần người chơi ảnh đều cho là hợp lý với nhu cầu “tạm nghỉ” trước khi lên những dòng ống cao hơn.
Phần 1: Những ống kính có tiêu cự cố định
Sigma 50 1.4
Sigma 50 1.4 là một ống kính for hiếm hoi có chất lượng cao hơn cả hàng hãng
Ở Việt Nam những người chơi có kinh nghiệm đều đánh giá cao những ống kính fix (tiêu cự cố định) của Sigma cao hơn so với Tamron (và thực tế thì tamron cũng không có nhiều ống fix vào thị trường trong nước). Trái với thông lệ nghĩ rằng ống kính for sẽ rẻ hơn ống kính chính hãng nếu ở cùng tiêu cự/khẩu độ mở tối đa, các ống fix của Siggy thường đắt hơn cả ống của Canon (Nikon thì không hẳn).
Chiếc Sigma 50 1.4 được đánh giá cao một phần vì chất lượng build (độ bền) của ống kính Canon 50 1.4 có vấn đề. Ống của Canon thường hỏng motor lấy nét sau một thời gian sử dụng, kể cả khi người dùng có cố gắng giữ gìn. Ống của Nikon thì dính viền tím hơi nặng. Ống này của Sigma có build tốt (mặc dù có 2 phiên bản, phiên bản vỏ bằng nhựa khá “lởm” lớp vỏ ngoài, nhưng chất lượng thấu kính thì không khác biệt), tốc độ lấy nét khá, nét ngay từ khẩu 1.8 (nhưng kéo xuống tầm 2.2 thì tuyệt vời hơn) và bokeh thì khá tốt (chưa được tròn vành vạnh, nhưng khá đẹp).
Sigma 50 1.4 được bán rất phổ biến ở tầm giá 10 triệu đồng.
Sigma 30 1.4
Siggy 30 1.4 là một lựa chọn cho đa mục đích
Ống kính tiêu cự 30 có lẽ không phải là một tiêu cự thích hợp để chụp chân dung cho lắm, vì độ “xóa phông” không được ảo diệu. Tuy nhiên trên những máy crop thì người ta có thể coi đây là một lens đa dụng: một chút phong cảnh đời thường, có thể đá sang chân dung toàn thân hoặc chân dung trong quán café, một hình thức chụp ảnh khá là phổ biến ở Việt Nam – LOL.
Về build, vỏ ngoài của sigma 30 1.4 bằng nhung, có lẽ là do thị trường chính của họ là ở các nước ôn đới, độ ẩm thấp nên khá dễ bảo quản, không dễ bong như khi sử dụng ở thị trường Việt Nam. Nếu sử dụng không cẩn thận có thể khá “lem nhem”, gây mất cảm tình khi người dùng muốn bán đi “lên đời”. Chất ảnh của lens này cũng tốt như 50 1.4, nhưng bokeh kém sắc sảo bằng (do tiêu cự ngắn hơn).
Lens này không nên sử dụng ở khẩu to nhất, nên khép xuống tầm 2.8 vì viền tím khá “ghê gớm” (có lẽ đây là vấn đề chung của các ống có tiêu cự dưới 50), vả chăng, cũng hiếm khi chúng ta phải sử dụng đến khẩu nhỏ hơn 2.0 cho một chiếc lens đa dụng thế này.
Lens này được bán ở Việt Nam với giá thành ở tầm gần 10 triệu đồng.
Sigma mới ra ống 35 1.4 mới, chất lượng rất tuyệt, có thể so sánh với 35L (1 trong holy trinity 35, 85, 135 của Canon), nhưng giá thành không nằm ở khoảng mà chúng ta đang xét. Nếu bạn không đắn đo chuyện chi quá nhiều tiền cho hàng for và không quá thích tone màu của 35L thì đây cũng là một ống kính rất đáng thử.
Có một lưu ý nhỏ với người dùng ít kinh nghiệm, đó là nên mua ống kính Sigma chính hãng hoặc ít ra là qua nhà phân phối có bảo hành vì các ống kính này có xác suất bị front/back focus (sai mặt phẳng lấy nét) khá nhiều, việc cân chỉnh ngoài tất nhiên là vẫn có với một chi phí không phải là cao, nhưng dù sao cũng làm mất thời gian của người dùng.
Tamron 90 2.8 là ống fix hiếm hoi của Tamron được ưa chuộng tại Việt Nam
Một ống kính fix hiếm hoi của Tamron “sống sót” được tại Việt Nam, do đó nó hẳn là phải tốt. Đúng là như vậy, ống này có độ nét và độ phóng đại đạt chuẩn “macro”, tiêu cự trên crop rất phù hợp cho chụp chân dung bán thân (mặc dù sẽ phải giảm sharpness trên máy đi để tránh làm lộ những “hố bom” trên khuôn mặt mẫu – LOL). Người ta chọn Tarmron khi muốn độ nét tốt hơn chiếc canon 100 f2.8, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng ống của canon vẫn được mua nhiều hơn vì tâm lý chuộng đồ “hãng” và việc lấy nét êm hơn nhiều ống của Tamron.
Tamron 90 f2.8 có giá khoảng gần 9 triệu đồng tại thị trường Việt Nam. Một phiên bản khác ở tiêu cự 60 thích hợp hơn với việc chụp chân dung (do khẩu to hơn khoảng 1 stop), tuy nhiên xét về khả năng chụp macro thì tiêu cự dài có ưu thế hơn vì tạo được background “nuột” hơn.
Samyang 8mm f3.5 là ống fish eye rẻ nhất trên thị trường
Đây là một trong những ống fish eye rẻ nhất có thể mua được hàng mới trên thị trường. Thương hiệu Samyang khá mới ở Việt Nam nhưng bắt đầu gây được chú ý nhờ giá thành và chất lượng không đến nối quá tệ. Một ống fish eye tương tự “hàng hãng” thường phải có giá ít nhất 15 triệu đồng.
Lưu ý rằng ống fish eye thường không hưởng lợi nhiều từ việc lấy nét tự động cho lắm, nên Samyang đã cắt bỏ tính năng này nhằm giảm giá thành, khiến mức giá hơn 7 triệu đồng cho một ống kính siêu rộng trở nên rất hấp dẫn. Dù sao thì với việc không có khả năng lấy nét tự động cũng khiến lens này có thể dễ dàng hơn rất nhiều trong việc “phối” với body của nhiều hãng khác nhau mà không lo về độ tương thích. Ống này nét từ khẩu khoảng 4.5
Phần 2: Những ống kính đa tiêu cự
Ở dòng ống kính đa tiêu cự, thì Tamron lại có lợi thế hơn so với Sigma. Nhiều ống kính được sử dụng rất phổ biến như những cái tên dưới đây.
Tamron 17-50 f2.8
Độ "phủ sóng" của Tamron 17-50 là rất rộng rãi
Nếu tìm ống kính for dùng nhiều nhất ở Việt Nam thì có lẽ không có ống nào khác ngoài ống kính này. Độ nét rất tốt, màu sắc chưa phải đẹp nhưng chấp nhận được (đặc biệt khi máy còn mới), dải tiêu cự khá hợp lý, và độ mở khẩu lớn rất có lợi khi chụp trong điều kiện thiếu sáng, cũng như có thể chụp cả chân dung nếu cần thiết.
Tuy nhiên, theo như phàn nàn của nhiều người dùng, ống kính này thường bị ám màu khi sử dụng một thời gian, cộng với việc một ống kính L là 17-40 cũng trùng tiêu cự này mà giá không chênh nhiều khiến việc người ta đẩy 17-50 đi để lên “L”.
Dù sao thì, 17-50 là một ống kính rất đáng quan tâm nếu bạn chưa hài lòng với chất lượng ảnh của ống kit và cũng chưa đủ tầm với lên lens L cao cấp, hoặc chỉ đơn giản nếu bạn muốn mua một ống kính phù hợp với việc đi du lịch, khẩu lớn.
Ống 17-50 có rất nhiều phiên bản, dành cho nhiều dòng máy khác nhau, do đó cũng có mức giá rất khác nhau, nhưng phổ biến từ tầm 8-10 triệu. Với tầm tiêu cự này chúng tôi cho rằng bạn có thể tiết kiệm, không mua phiên bản có VC (chống rung), để dành cho việc mua một vài filter hiệu ứng thì hợp lý hơn.
Tamron 70-300 f4-5.6 Di VC USD
Nếu được chọn giữa ống này của Tamron với ống 70-300 của canon, cùng tiêu cự, cùng có chống rung và motor lấy nét siêu nhanh thì người dùng sẽ khá khó khăn. Về chất lượng ảnh, 2 ống này hoàn toàn tương đương. Về tốc độ lấy nét thì tất nhiên USM của canon có tốt hơn, tuy nhiên xét về build thì độ “hầm hố” của Tamron chắc chắn sẽ khiến nhiều người dùng chú ý hơn là sự “hiền lành” của ống Canon.
Tamron 70-300 có ngoại hình "hầm hố"
Thực ra điều mà người ta băn khoăn nhất với ống kính này, đó là nó có mức giá rất gần với một lens L chuyên chân dung của canon: ống 70-200 f4 non IS. Màu sắc, tốc độ lấy nét, build của ống Canon này thì phải nói là tuyệt vời (tuy nhiên không thể so sánh với các lens L cao cấp như 70-200 f2.8 is II được), nhưng việc không có chống rung ở tiêu cự này là một điểm yếu mà những người cầm chiếc canon non IS có thể cảm nhận được rõ rệt khi đẩy tiêu cự lên tầm trên 180.
Tamron 70-300 f4-5.6 Di VC USD có giá khoảng 10 triệu đồng tại Việt Nam
Tokina 11-16 f2.8
Tokina 11-16 là một lựa chọn ultrawide không thể bỏ qua với người dùng nikon
Một ống kính lấp đầy khoảng tiêu cự ultra-wide của crop. Một ống kính “không thể bỏ qua” nếu muốn tìm một ống kính để chụp đại cảnh, mà độ méo được khống chế tốt, và độ nét rất “đáng gờm”. Đây là một ống kính khiến những người dùng ống 12-24 vốn đã được cho là cực tốt của Nikon phải ngoái nhìn lại. Nó có độ nét khá hơn, kiểm soát méo hình tốt hơn, khẩu lớn hơn và rẻ hơn khá nhiều (khoảng 1 nửa). Điểm yếu của nó so với ống 12-24 là việc tối góc khi sử dụng trên body Fullframe và dải tiêu cự chỉ bằng phân nửa ống của Nikon, cộng với việc build có kém hơn chút đỉnh (nhưng cũng không quá tồi đâu nhé!).
Với người dùng Canon thì do ống 10-22 là rất tốt, nên việc lựa chọn ống 11-16 này cũng hạn chế hơn (mặc dù 10-22 đắt hơn tương đối).
Tokina 11-16 f2.8 có giá khoảng 11 triệu đồng tại thị trường Việt Nam.