Doanh nghiệp

Xuất hiện chìa khóa của cuộc giằng co phân chia tài sản Trung Nguyên

Công ty trung tâm trong hệ thống Trung Nguyên là Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên. Tại đây, ngoài ông Đặng Lê Nguyên Vũ nắm 20% cổ phần, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nắm 10%, thì 70% còn lại thuộc về một pháp nhân khác. Pháp nhân này được xác định là Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), doanh nghiệp chi phối cổ phần của hầu hết đơn vị thành viên tập đoàn, trong đó bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ tất cả các nhãn hiệu.

Có thể thấy công ty này đang là chìa khóa phân định khối tài sản phức tạp ở Trung Nguyên của vợ chồng “vua cà phê” khi ly hôn.

Nhìn từ Trung Nguyên Investment: Ai đang có lợi thế?

Theo BCTC của Công ty Trung Nguyên Investment, doanh nghiệp có vốn điều lệ 3.160 tỷ đồng, nắm giữ quyền kiểm soát đối với Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên cùng 2 pháp nhân khác, là Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê và Công ty Vũ Nguyên Đăk Nông.

Không chỉ sở hữu về mặt cổ phần, Trung Nguyên Investment còn là chủ sở hữu trí tuệ tất cả các nhãn hiệu thuộc nhóm cà phê Trung Nguyên, như: nhãn hiệu công ty, chuỗi quán cà phê, cà phê bột, cà phê hạt, cà phê tươi Trung Nguyên, cà phê hòa tan G7… theo như thông tin tra cứu từ Thư viện số về sở hữu trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công Nghệ).

Như vậy, Trung Nguyên Investment đóng vai trò quan trọng trong việc phân chia tài sản của cặp vợ chồng này.

Các công ty thành viên trong hệ thống Trung Nguyên

Tại thời điểm 31/12/2016, công ty này có 4 cổ đông, gồm ông Vũ sở hữu 60%, bà Thảo sở hữu 30%. Bố mẹ ông Vũ là ông Đặng Mơ và bà Lê Thị Ước mỗi người nắm giữ 5%. Tuy nhiên trong năm 2017, số cổ phần của ông Đặng Mơ đã được chuyển nhượng toàn bộ cho ông Vũ (1,66%), bà Ước (1,68%) và những người khác. Đến cuối năm 2017, cơ cấu sở hữu của Trung Nguyên Investment gồm ông Vũ nắm 61,66%, bà Thảo nắm 30% và bà Ước nắm 6,68%.

Như vậy, nếu Trung Nguyên Investment được xem như một mấu chốt để phân chia tài sản thì ông Vũ đang có lợi thế, khi nắm số lượng cổ phần áp đảo. Tuy nhiên, với việc sở hữu phức tạp ở các công ty con, thì ngay cả việc chia đôi số cổ phần (mỗi bên hơn 46%), ông Vũ vẫn đang là người thực sự kiểm soát Tập đoàn Trung Nguyên, khi cộng với tỷ lệ sở hữu của người thân.

Nhưng khi chia đôi, bà Thảo với lượng cổ phần sở hữu của mình vẫn nắm trong tay quyền phủ quyết các nghị quyết của HĐQT. Cơ hội để bà Thảo chủ động hoàn toàn với Tập đoàn Trung Nguyên cần vào số lượng cổ phần hoán đổi bằng việc cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn.

Nếu dựa vào số cổ phần (được cho là 20%) hoán đổi từ việc cấp dưỡng nuôi con (nếu các con của hai vợ chồng ở với bà Thảo), thì lúc này cục diện sở hữu sẽ đảo chiều. Bởi bà Thảo có thể có hơn 65% cổ phần, trong khi đó tỷ lệ của ông Vũ sẽ giảm xuống. Đó có thể là lý do bà Thảo yêu cầu việc chu cấp nuôi con sau hôn nhân được hoán đổi thành cổ phần.

Phân chia tài sản không chỉ ở Trung Nguyên

Liên quan đến việc phân chia tài sản của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tại phiên hòa giải hôm qua (14/8), đại diện phía Trung Nguyên cho biết tài sản được phân định ra hai phần. Trong đó, bao gồm tài sản chung là cổ phần liên quan tại Tập đoàn Trung Nguyên và tài sản chung ngoài Trung Nguyên của hai vợ chồng, như tiền bạc, bất động sản…

Đến nay, phần tài sản ngoài Trung Nguyên vẫn chưa được thống kê, xác định rõ ràng. Ngoài ra trước đây, liên quan đến chuyện định giá khối tài sản này, ông Vũ đã có đơn phản tố, nhưng hiện nay ông chủ Trung Nguyên đã rút lại đơn này.

Việc xác định phân chia tài sản vẫn chưa được thống nhất trong phiên hòa giải. TAND TP.HCM sẽ có phiên làm việc tiếp theo vào ngày 29/8 tới.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên hòa giải ngày 14/8. Ảnh: Đạt Trương

Hiện tổng tài sản của tập đoàn cơ bản được chia thành 5 khối, trong đó bao gồm: Các bất động sản đã có giấy tờ sở hữu đứng tên 2 vợ chồng, ông Vũ đồng ý theo cách định giá của bà Thảo (sẽ chia đôi); các bất động sản chưa hoàn tất thủ tục sở hữu (để lại và phân chia sau); Khối tiền bạc, đá quý, sổ tiết kiệm, ngoại tệ (cũng phân chia sau); Cổ phần trong 7 công ty con của tập đoàn, với cơ cấu sở hữu phức tạp cùng các thời điểm tham gia khác nhau, nên vẫn chưa thể phân chia rõ ràng; Công ty CP TĐ Trung Nguyên tại Singapore.

Ngoài ra, cơ quan kiểm toán cũng đã định giá xong các giá trị hữu hình, vô hình, quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu cà phê G7. Tất cả các khối tài sản này tổng giá trị lên tới vài nghìn tỷ đồng.

Theo luật sư của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, kết quả định giá các tài sản của cơ quan chức năng do tòa án trưng cầu đã có. Tuy nhiên với mức độ phức tạp thì mọi việc vẫn chưa được gút lại, nên mọi thông tin tiếp theo vẫn phải chờ vào phiên hòa giải vào ngày 29/8 sắp tới. Hai bên có quyền đưa ra yêu cầu và căn cứ pháp lý cho vấn đề của mình.

Chia sẻ về câu chuyện phân chia tài sản của cặp vợ chồng này, luật sư Nguyễn Văn Đức, đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết nếu thuận tình ly hôn thì khối tài sản phải phân chia bao gồm cả hữu hình và vô hình.

Nếu là tài sản hữu hình (cổ phần, cổ phiếu tại doanh nghiệp, bất động sản, tiền mặt, sổ tiết kiệm, vàng bạc, đá quý…) thì dựa trên sự thỏa thuận của hai bên và được tòa án quyết định. Riêng với tài sản vô hình cụ thể là giá trị thương hiệu Trung Nguyên, cần phải có một đơn vị định giá độc lập để xác định đúng giá trị.

Tuy nhiên, cũng theo luật sư Đức, các vụ ly hôn của nhiều vợ chồng làm chủ doanh nghiệp trước đây ở Việt Nam vẫn chủ yếu dự trên sự thỏa thuận chứ chưa có nhiều đơn vị trưng cầu và định giá cụ thể.

Theo: zing.vn

 

Sự thật thời điểm bà Diệp Thảo bước vào Trung Nguyên và khối tài sản ngàn tỷ tranh chấp với Đặng Lê Nguyên Vũ

(Techz.vn) Bà Thảo - vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ muốn chia cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên cho các con nhưng nếu cộng 50% cổ phần của bà Thảo với 20% cổ phần của 4 con thì bà Thảo sẽ thừa tỉ lệ sở hữu để chiếm quyền điều hành tập đoàn này.