Việc áp dụng các chính sách bảo hành tại các thị trường là khác nhau. Ở Việt Nam, người dùng đã quá quen thuộc với các quy trình bảo hành, đổi trả sản phẩm từ các thương hiệu lớn. Mới đây, Xiaomi gia nhập và đưa ra chính sách bảo hành tương đối kỳ cục, đó là không bảo hành những thiết bị đã mua qua tay. Trên thực tế, điều này đi ngược với thói quen của người Việt Nam khi các phương thức mua bán qua tay, rao bán trên mạng được thực hiện rất nhiều. Việc các thiết bị được mua qua hình thức này không được bảo hình chính hãng sẽ mất đi giá trị của sản phẩm, đồng thời gây mất lòng tin cho khách hàng của chính Xiaomi. Bởi mua bán trao tay gần như không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm, người bán muốn bán và người mua muốn sở hữu một chiếc điện thoại còn bảo hành với chất lượng tốt. Nguyên văn chính sách bảo hành trước đó của Xiaomi Việt Nam như sau:
“Dịch vụ bảo hành chỉ áp dụng cho người mua đầu tiên. Nếu khách hàng bán sản phẩm hoặc mua đi bán lại, các dịch vụ bảo hành giới hạn không thể được bán lại hoặc chuyển nhượng kèm sản phẩm.”
Quy định khá "dị" của Xiaomi lúc ban đầu. Ảnh: Genk
Đây là chính sách bảo hành chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam và thật may, Xiaomi đã thay đổi nó sau khi ra mắt chính thức. Nếu điều này được giữ nguyên, có lẽ nhiều làn sóng chỉ trích nhắm vào thương hiệu này. Xét cho cùng, các mẫu điện thoại Xiaomi được rao bán nhiều nhất trên các diễn đàn rao vặt một phần vì giá thành rẻ, thuận mua vừa bán. Do đó, muốn đẩy mạnh thị phần, Xiaomi cũng phải đưa ra một chính sách hợp lý với chính tâm lý người dùng Việt Nam, đặc biệt là khi thương hiệu Trung Quốc chưa thực sự được ưa chuộng và tin tưởng.
Thương hiệu Xiaomi cũng gợi nhớ đến những bê bối về vấn đề bảo mật thông tin người dùng, thậm chí, tại Việt Nam, một số mẫu smartphone đã bị lên án. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề bảo mật cho các thiết bị bán ra ở trong nước, ông Wang Xiang, Phó chủ tịch cấp cao của Xiaomi, cho rằng Xiaomi không theo dõi người dùng và đã tìm đến những giải pháp tốt nhất.
"Chúng tôi sử dụng các tiêu chuẩn rất cao để bảo mật cho người dùng. Chúng tôi đã hợp tác với rất nhiều công ty, dịch vụ lưu trữ hàng đầu trên thế giới như của Amazon để lưu dữ liệu của người dùng. Công ty cũng tìm đến những chuyên gia toàn cầu để được cấp chứng nhận bảo mật, đảm bảo an toàn cho thông tin người dùng", ông Wang Xiang chia sẻ.
Vấn đề này cần được mổ xẻ một cách chi tiết bởi nhiều người cho rằng việc theo dõi người dùng ở mức độ Firmware không đơn thuần chỉ là ứng dụng độc hại. Thông tin về việc này sẽ được kiểm chứng khi các dòng sản phẩm được bán ra chính thức tại Việt Nam. Rõ ràng, Xiaomi muốn thành công tại Việt Nam còn rất nhiều rào cản, đặc biệt là về giá thành.
Giá bán Xiaomi xách tay và chính hãng không chênh lệch nhau quá nhiều
Rất may, giá bán của ba mẫu smartphone bao gồm Mi Mix, Redmi Note 4, Remi 4A hay hai thiết bị phát sóng là Mi Router HD, Mi Router Pro không quá chênh lệch so với hàng xách tay. Ít nhất là trong khoảng chấp nhận được đối với người Việt, những đánh đổi về mặt hàng chính hãng, nguồn gốc rõ ràng, hỗ trợ trực tiếp và bảo hành tốt là hoàn toàn hợp lý. Hy vọng, trong tương lai, Xiaomi sẽ thổi một làn gió mới vào thị trường smartphone được đánh giá là tiềm năng nhất của khu vực như Việt Nam.
So sánh giá Xiaomi xách tay và chính hãng: Mua xách tay chắc gì đãatilde; rẻ?
(Techz.vn) Liệu với sự có mặt của hàng chính hãng, những chiếc điện thoại xách tay Xiaomi có trở nên yếu thế trên thị trường di động?