Nhịp sống số

Xiaomi và cái kết của chiến lược bán hàng online

Khởi điểm ban đầu, Xiaomi phát triển fimware (ROM) MIUI cho điện thoại chạy hệ điều hành Android. Ngoài sản xuất điện thoại giá rẻ, Xiaomi cũng đã cho ra nhiều dòng sản phẩm thông minh khác nhằm xây dựng hệ sinh thái, một đế chế riêng. Trong thời gian đầu thành lập, Xiaomi rất thành công với chiến lược bán hàng online đã giúp doanh số tăng cao khủng khiếp.

Vài năm trở lại đây, Xiaomi bị phát triển chậm lại vì mãi chú trọng duy nhất chiến lược bán hàng online. Trong khi đó, làng công nghệ luôn có những chuyển biến rõ rệt đã khiến Xiaomi bị ảnh hưởng nặng đến doanh số. Điều đáng buồn nhất, Xiaomi đã bị đồng hương Huawei, Oppo vượt mặt ở ngay thị trường Trung Quốc.

Rút gọn quá mức cần thiết

Với phương châm làm cho sản phẩm có giá rẻ nhất, Xiaomi ít đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm R&D giống như các ông lớn khác trong làng công nghệ. Bên cạnh đó, Xiaomi chỉ mãi tập trung bán hàng online nhằm tiết giảm chi phí tối đa. Thật khó hiểu, Xiaomi lại cho ra mắt quá nhiều điện thoại có cấu hình gần tương tự nhau đã gây nhàm chán và khó thuyết phục fan Xiaomi phải bỏ tiền ra nâng cấp máy.

Nhược điểm lớn đối với sản phẩm bán online, Xiaomi rất khó tiếp cận nguồn khách hàng mới vì không có hàng mẫu trưng bày ở các cửa hàng bán lẻ điện thoại như Huawei, Vivo và Oppo. Phần lớn người dùng đều mong muốn trải nghiệm thực tế sản phẩm trước khi chính thức quyết định bỏ tiền ra mua nó.

Từ những yếu tố trên cộng lại, Xiaomi đã dần bị mất người dùng cũ, đồng thời khó tiếp cận khách hàng mới vì chiến lược bán hàng online chỉ đúng ở một thời điểm nhất định, không thể cứ áp dụng mãi cho nhiều năm liên tiếp.

Kế hoạch mới bám sát thị trường

Theo một số nguồn tin, Xiaomi có thể sẽ mở 200 cửa hàng Mi Home (offline) trong năm nay, tăng lên khoảng 1.000 cửa hàng ở thị trường Trung Quốc trong khoảng 3 năm sắp tới. Xiaomi áp dụng chiến lược này tương tự Vivo và Oppo khi cả 2 thương hiệu trên đã gặt hái thành công trong những năm vừa qua. Khác biệt ở chỗ, Xiaomi dùng chiến lược mở cửa hàng riêng tự bán như Apple. Đối với Oppo và Vivo, cả 2 hãng này vẫn đi theo xu hướng sử dụng hệ thống phân phối, kênh bán lẻ thông thường nhằm tiếp cận người dùng nông thôn.

Trước đây, Lei Jun – CEO Xiaomi nhận định, việc thiếu vắng cửa hàng offline chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến doanh số tụt dốc khi xu hướng mua hàng online giảm dần. Trước đây, Xiaomi đã dùng cả chiến dịch flash sale để gây sốt cộng đồng công nghệ, gặt hái được thành công nhất định trong thời gian ngắn.

Thật không may, chiêu này của Xiaomi chưa thật sự hiệu quả cho những người dùng đang sinh sống tại các vùng nông thôn ở Trung Quốc – nơi có khoảng 600 triệu người. Không giống khách hàng ở thành phố lớn, hầu hết người dùng ở nông thôn đều mong muốn cầm sản phẩm trực tiếp trên tay để trải nghiệm thực tế trước khi quyết định mua. Nhờ mở cửa hàng Mi Home, Xiaomi dễ dàng giới thiệu thêm nhiều mẫu sản phẩm IoT trong hệ sinh thái của mình hơn. Do đó, Xiaomi có thể tăng doanh số cao nhờ bán các chủng loại mặt hàng khác nhau, không chỉ mỗi điện thoại.

Thời gian sắp tới, Xiaomi sẽ chính thức phân phối sản phẩm tại thị trường Việt Nam cho mức giá cao hơn khoảng 20% so với Trung Quốc. Qua đó, khách hàng Việt Nam dễ dàng mua sản phẩm Xiaomi chính hãng, đồng thời giúp hãng sản xuất Trung Quốc tăng thêm doanh số.

 

Xiaomi ra mắt fanpage chính chủ tại Việt Nam, ngày gia nhập chính thức gần kề!

(Techz.vn) Thêm một lần nữa Xiaomi chứng minh tham vọng gia nhập thị trường Việt Nam khi khởi tạo fanpage chính chủ Mi Vietnam.