Doanh nghiệp

Xiaomi 2017: Cần phát triển chậm lại và thay đổi chiêu mới

Xiaomi 2017: Cần phát triển chậm lại và thay đổi chiêu mới


Xiaomi - Tham vọng quá lớn để rồi gánh lấy áp lực không hề nhỏ

Khi Xiaomi tung ra thị trường những chiếc smartphone đầu tiên vào năm 2011, ai nấy cũng đều tấm tắc ngợi ca "máy có cấu hình quá tốt mà giá bán lại rẻ". Kể từ lúc đó Xiaomi đã chính thức đối đầu với các tên tuổi có thâm niên lâu năm trong ngành như Samsung, Apple và hàng loạt thương hiệu khác đã thống trị sân chơi smartphone vào thời điểm đó.

Cách đây mấy năm mà Xiaomi có thể tung ra được những chiếc smartphone cấu hình mạnh kèm giá bình dân thì phải nói đây là một điều không hề dễ dàng như bây giờ. Tuy nhiên, họ dám nghĩ - dám làm, nên đã gặt hái được nhiều thành công như mong đợi trong suốt mấy năm qua.

Sau đó, nhận thấy được tiềm năng ở phân khúc người dùng bình dân và cận trung cấp là rất lớn, các hãng di động khác đã bắt đầu dõi theo chiến lược "smartphone mạnh giá mềm" của Xiaomi, để cạnh tranh trực tiếp với hãng này và giành lại khách hàng về phía mình.

Có thể nói, Xiaomi đã tiên phong mở đường cho xu hướng trên và gián tiếp mang đến cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn. Với sự thành công thần tốc ở mảng smartphone, Xiaomi được mọi người ví như "Apple của phương đông" hay "Apple của Trung Quốc".

Xiaomi Mi MIX - Chiếc smartphone không viền thời thượng
Xiaomi Mi MIX - Chiếc smartphone không viền thời thượng gây sốt cộng đồng công nghệ toàn cầu trong mấy tháng qua

Đến năm 2013, Hugo Barra - Phó chủ tịch Quản lý sản phẩm Android của Google đã đầu quân cho Xiaomi, khiến cả giới công nghệ hết sức ngỡ ngàng. Kể từ đó, Barra đã có công rất lớn trong việc nâng cao uy tín và hình ảnh của Xiaomi trên toàn cầu.

Khi ông vừa đặt chân đến, công ty bị xem như là phiên bản copy của Apple, nhưng chỉ trong thời gian ngắn sau đó, hãng điện tử Trung Quốc dần khẳng định mình thông qua những thiết kế riêng. Hồi năm ngoái, Xiaomi gây xôn xao dư luận khi tung ra smartphone không viền Mi Mix hết sức ấn tượng.

Tuy nhiên, mới đây Hugo Barra lại khiến mọi người bất ngờ tập 2 khi đăng tải lên Facebook đoạn thông điệp nghỉ làm ở Xiaomi để trở về thung lũng Silicon:

"Trong vài năm gần đây, tôi nhận ra rằng làm việc trong một môi trường đặc biệt đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sức khỏe của tôi. Bạn bè của tôi, những người vô cùng thân thiết cũng đã quay trở lại thung lũng Silicon.

Nơi đó cũng gần gũi với những người thân trong gia đình. Nhìn lại những gì tôi đã bỏ lại phía sau trong nhiều năm qua, tôi thấy rằng đây là thời điểm thích hợp để quay trở về."

Cách nay vài ngày, trang The Verge cho biết Hugo Barra sẽ đầu quân cho Facebook. Trong khi đó, CEO Facebook - Mark Zuckerberg cũng đã thông báo tin này trên trang cá nhân của mình, và Barra sẽ nhậm chức Phó giám đốc phụ trách mảng VR ở Facebook.

Hình ảnh Mark Zuckerberg và Hugo Barra qua ứng dụng VR

Không biết vấn đề có phải ở Hugo Barra hay không mà năm nay Xiaomi đã quyết định không tham dự Triển lãm di động lớn nhất thế giới MWC 2017. Trang AndroidPIT cho biết thông tin này đã được Xiaomi xác nhận. Đồng nghĩa với việc ngày ra mắt smartphone flagship được nhiều người mong đợi là Mi 6 sẽ muộn hơn.

Sẽ thất bại nếu có... một chiêu dùng hoài

Theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu IDC, doanh số smartphone của Xiaomi ở Trung Quốc đã giảm gần 40% trong quý hai năm 2016 so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Huawei, OPPO và Vivo, đều tăng trưởng mạnh mẽ.

Từ đây cho thấy, nếu không chịu đổi mới và mãi bám theo chiến lược cũ thì Xiaomi cũng sẽ có ngày bước theo con đường của BlackBerry hay Nokia trước đó.

Xiaomi hiện vẫn xài còn "chiêu" cũ là giảm mọi chi phí để rẻ hóa sản phẩm, bởi thế khâu quảng bá thương hiệu đã không được đầu tư nhiều. Đồng nghĩa với việc sẽ thua thiệt các thương hiệu khác. Người dùng biết đến Xiaomi toàn là thế hệ cũ, còn người mới chỉ biết đến Samsung, OPPO, Huawei,...

Theo đó, nếu muốn ngày càng ăn nên làm ra, Xiaomi nên học theo các thương hiệu trên bằng việc chi trả nhiều hơn cho khâu quảng cáo, tiếp thị cũng như cần chú trọng vào các kênh bán lẻ truyền thống, thay vì cứ bán hàng theo kiểu online làm tới.

Chậm lại nào...

"Trong những năm đầu tiên, chúng ta đã phát triển quá nhanh. Chúng ta thực sự đã tạo ra phép màu. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chậm lại, tiếp tục cải thiện trên một số lĩnh vực, đồng thời đảm bảo tăng trưởng một cách bền vững cho sự phát triển dài hạn trong tương lai," CEO Lei Jun của Xiaomi nhận định.

Vị Giám đốc này còn cho biết thêm: Trong tương lai, nhằm gia tăng doanh số bán smartphone, Xiaomi sẽ cố gắng phát triển dịch vụ bán hàng trực tiếp ở các cửa hàng thay vì bán hàng qua mạng.

Ông Jun dự tính sẽ mở thêm 200 cửa hàng trải nghiệm Mi Home trong năm nay, và sẽ cố gắng mở 1 ngàn cửa hàng trải nghiệm trong vòng 3 năm sắp tới. Một con số cho thấy được sự nghiêm túc của Xiaomi trong việc tiếp cận khách hàng theo phương thức bán hàng truyền thống.

Tóm lại, trong năm 2017, Xiaomi cần giành khách hàng trung thành về phía mình, chứ không phải kiểu nửa vời ham của mới để rồi trải nghiệm thử một thời gian xong là "bye".

Với lại phải chịu chi cho khâu quảng bá sản phẩm như cách mà Samsung, OPPO, Huawei đang làm, như thế mới dễ dàng tiếp cận đến giới trẻ cũng như tầng lớp người dùng không có nhiều thời gian tìm hiểu smartphone đời mới trên báo mạng, diễn đàn công nghệ.

Riêng bạn mong đợi điều gì ở Xiaomi trong năm 2017?

Theo TGDĐ