Doanh nghiệp

WhatsApp được Facebook mua lại với giá sốc: 19 tỷ USD

 Xem thêm: Cảnh báo các nguy cơ lộ tin nhắn khi chơi các ứng dụng Facebook

Facebook mới đây đã kí thỏa thuận mua lại WhatsApp với số tiền khổng lồ, tổng giá trị lên đến 19 tỉ USD, bao gồm bao gồm 4 tỉ USD tiền mặt cộng với số cổ phiếu Facebook trị giá 12 tỉ USD và khoảng 3 tỉ cho 45 triệu cổ phiếu giới hạn vốn (sẽ được phân phối cho nhân viên WhatsApp trong vòng 4 năm tới). Đây là một trong những thương vụ mua bán - sát nhập lớn nhất trong thời gian gần đây trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là WhatsApp sẽ bị đóng cửa, thay vào đó dịch vụ này vẫn hoạt động như một bộ phận độc lập và tách biệt với Facebook Messenger (tương tự như thương vụ Facebook mua lại Instagram).

Về WhatsApp, công ty này có 55 nhân viên, cung cấp một dịch vụ OTT cùng tên có thể thay thế cho dịch vụ tin nhắn SMS,  số người dùng WhatsApp đã tăng lên hơn gấp đôi trong 9 tháng qua, lên đến 450 triệu người dùng/tháng, tức là phổ biến hơn cả Twitter - dịch vụ tiểu blog phổ biến có khoảng 240 triệu người dùng và hiện có giá trị khoảng 30 tỷ USD.

Facebook mua lại WhatsApp với giá -image-1392863796463

Vụ thâu tóm này đến sau khi nỗ lực của Facebook mua dịch vụ nhắn tin khác là Snapchat thất bại với giá 3 tỷ USD. Cả Snapchat và WhatsApp đều phổ biến đối với người dùng trẻ - lực lượng mà Facebook đã rất chật vật để thu hút trong những năm gần đây, theo nhiều khảo sát. Trong một cuộc họp công bố kết quả kinh doanh hồi tháng Mười năm ngoái, Facebook thừa nhận số người dùng teen của mình giảm.

Trong một thông cáo báo chí liên quan, CEO Mark Zuckerberg nói rằng "WhatsApp đang trên con đường kết nối 1 tỉ người lại với nhau. Những dịch vụ nào đạt được cột mốc này đều cực kì có giá trị". Ông cũng chia sẻ tin tức này trên trang Facebook cá nhân và cho biết "WhatsApp sẽ bổ trợ cho dịch vụ chat và nhắn tin hiện tại của chúng tôi, từ đó mang lại nhiều công cụ mới cho cộng đồng". Hiện WhatsApp đang có hơn 450 triệu người dùng hằng tháng trên toàn thế giới, trong số đó 70% là những người dùng tích cực mỗi ngày.

Đây có thể nói là một vụ thâu tóm công ty mới thành lập nói chung và dịch vụ nhắn tin OTT với giá cao nhất trong lịch sử. Mới đây nhất, hãng thương mại điện tử Rakuten của Nhật Bản đã đồng ý mua dịch vụ nhắn tin Viber với giá 900 triệu USD - rẻ hơn rất nhiều so với WhatsApp.

Đọc thêm: Những 'bí mật' chưa từng tiết lộ xoay quanh Facebook

Lưu Quý