Nhịp sống số

WeChat bị tẩy chay, đối thủ đồng loạt “tung chiêu”

 Cùng với việc WeChat bị “quay lưng”, các ứng dụng chat, nhắn tin miễn phí qua Internet khác đã lần lượt tung chiêu để tranh thủ hút người dùng. Tuy nhiên, người dùng nên lựa chọn ứng dụng uy tín để tránh nguy cơ mất an toàn thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân.

 
Việc WeChat bị "tẩy chay" là cơ hội tốt cho các ứng dụng khác như Zalo, Viber, Line... thu hút người dùng.

 

Kakao Talk, Zalo phát hành bộ sticker Tết Quý Tỵ 2013

Sau khi ứng dụng WeChat đưa bản đồ "đường lưỡi bò" vào phiên bản tiếng Trung của phần mềm này và thể hiện không rõ ràng 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở phiên bản quốc tế, cộng đồng mạng đã đồng loạt tẩy chay, kêu gọi mọi người ngừng sử dụng WeChat và chuyển sang dùng những công cụ chat, nhắn tin, gọi điện qua Internet miễn phí khác.  

Sau động thái của người sử dụng, các ứng dụng chat, gọi điện miễn phí khác đã tung ra những “chiêu bài” để thu hút người dùng trong thời điểm chưa có nền tảng nào thống trị rõ ràng, nhất là khi đối thủ nặng ký nhất là WeChat lại đang bị người dùng Việt Nam quay lưng. Tháng 1/2013,  KakaoTalk - ứng dụng tin nhắn số một Hàn Quốc, đã phát hành bộ sticker mới cho thị trường Việt Nam theo chủ đề Tết cổ truyền trong khi chưa có ứng dụng nào cung cấp những hình ảnh mang đậm chất Việt như Kakao Talk. Đây được coi là bước đi đầu tiên của Kakao Talk, ứng dụng vẫn còn tương đối mới ở Việt Nam (mới chỉ có khoảng hơn 150.000 người dùng) so với các ứng dụng cùng loại như WeChat (có hơn 1 triệu người dùng chỉ sau 2-3 tháng vào thị trường), WhatsApp, Viber…

Tiếp sau Kakao Talk, đầu tháng 2/2013, ứng dụng nhắn tin “nội” Zalo cũng đã chính thức ra mắt phiên bản Tết 2013 trên tất cả các kho ứng dụng iOS, Android, Nokia nhằm phục vụ nhu cầu giao tiếp của cộng đồng trong dịp Tết. Cũng trong phiên bản đặc biệt này, người dùng Zalo có thể sử dụng bộ hình động kèm lời thoại do chính danh hài Hoài Linh thu âm để trao gửi nhau những lời chúc ngộ nghĩnh đầu năm mới. Ngoài ra, Zalo cũng giới thiệu thêm một số bộ hình động gần gũi như thầy bói, chàng trai trong trang phục áo dài, khăn đóng, cô gái Việt Nam trong hình ảnh áo tứ thân, khăn mỏ quạ... hay các câu chúc bằng âm thanh (sticker voice) chủ đề Tết 2013 giúp người dùng có nhiều lựa chọn gửi lời chúc đến người thân, gia đình cũng như bạn bè xa quê.

Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2013, trên các phương tiện truyền thông, đại diện ứng dụng tin nhắn Viber cho biết sẽ dành tổng lực để chinh phục châu Á khi mà thị trường "màu mỡ" này hiện đang chiếm 1/3 tổng số người dùng của Viber với khoảng 50 triệu người dùng. Động thái đầu tiên được Viber thực hiện nhằm thâm nhập sâu vào thị trường châu Á là việc ứng dụng này được dịch sang tiếng Hoa, tiếng Nhật và tiếng Hàn trước khi tung ra các phiên bản tiếng Thái và tiếng Việt trong thời gian tới.

Cuối tháng 12/2012, trong bức thư ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG gửi các nhân viên của mình, ông Minh đã cho rằng, thị trường ứng dụng Mobile Communication (chat, gọi điện miễn phí trên Internet) đang ngày càng trở nên nóng bỏng hơn với sự tham gia của Line (ứng dụng nhắn tin số 1 Nhật Bản), Kakao Talk (đứng số 1 Hàn Quốc) và Facebook Messenger. Nếu tính cả Viber, WhatsApp và Yahoo Messenger thì có tới 8 “đại gia” đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc chơi Mobile Communication. “Hiện tại, dù kết quả ban đầu có chút khích lệ nhưng Zalo đang bị đặt trong một tình thế vô cùng “mong manh” khi tất cả các đối thủ mạnh nhất, giỏi nhất và “giàu” nhất đang dồn sức cho cuộc chiến. VNG chỉ có năm 2013 để đánh trận “Zalo” và Zalo cũng như cả Công ty VNG sẽ phải cố gắng tập trung toàn lực để dành lấy một cơ hội thành công, dù không cao”, ông Minh cho biết thêm.

Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thông tin

Trong năm 2012, một số trang mạng của hacker trên thế giới đã lan truyền nhau cách thức lấy trộm dữ liệu từ phần mềm nhắn tin miễn phí qua Internet WhatsApp chỉ bằng các công cụ và đoạn mã miễn phí. Theo đó, cho đến tháng 8/2012, mọi dữ liệu gửi đi của WhatsApp đều không được mã hóa nên hacker có thể "chiếm đoạt" dễ dàng toàn bộ nội dung tin nhắn, dữ liệu cá nhân trong máy điện thoại và cả số điện thoại người dùng nếu họ sử dụng Wifi ở những nơi công cộng. Dù phiên bản mới cập nhật trong tháng 9 đã mã hóa dữ liệu nhưng còn sơ sài và nhanh chóng bị tin tặc bẻ khóa.

Đầu năm 2013, Canada và Hà Lan đã cáo buộc WhatsApp - dịch vụ nhắn tin qua Internet dành cho điện thoại thông minh vì vi phạm luật quốc tế về quyền riêng tư, sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người dùng. Cụ thể, WhatsApp đã tự ý đồng bộ danh bạ trong điện thoại của người dùng, bao gồm cả số điện thoại của người có và không dùng dịch vụ WhatsApp. Ngoài ra, tin nhắn được gửi bằng dịch vụ của WhatsApp không được mã hóa trên đường truyền, gây nguy cơ bị đọc trộm, đặc biệt khi tin nhắn được gửi thông qua mạng Wifi và việc thiết lập mật khẩu để trao đổi thông tin được dựa trên thông tin về các thiết bị, tạo điều kiện cho bên thứ ba có thể gửi và nhận các tin nhắn mà không bị phát hiện.

Theo các chuyên gia về bảo mật, bên cạnh WhatsApp, hàng loạt ứng dụng nhắn tin miễn phí qua mạng Internet hiện nay cũng gặp những nguy cơ về bảo mật. Bởi vì, các phần mềm này truy cập Internet thông qua địa chỉ IP nên sẽ gặp những rủi ro, nguy cơ như trên máy tính thông thường. Do đó, khi trao đổi dữ liệu với nhau qua mạng Wifi công cộng, nếu các ứng dụng tin nhắn, gọi điện không đảm bảo việc mã hóa thì hoàn toàn có thể bị "lộ" tin nhắn hay bị nghe lén. Mặc dù vậy, do các phần mềm chat, gọi điện trên máy tính như Yahoo Messenger, Skype... phát triển cách đây khá lâu và đã được cảnh báo về khả năng bị đánh cắp dữ liệu nên họ đều đã áp dụng các biện pháp mã hóa dữ liệu. Còn các ứng dụng trên di động mới phát triển cách đây vài năm và có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ tham gia nên việc bảo mật, an ninh dữ liệu người dùng cho các ứng dụng này chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Đó là chưa kể, dù smartphone được coi là "một máy tính thu nhỏ" nhưng việc cài đặt các phần mềm bảo mật trên di động để kiểm tra, giám sát việc gửi, nhận dữ liệu bị hạn chế hơn rất nhiều so với máy tính. Thậm chí, phần mềm diệt virus trên smartphone... còn bị loại khỏi kho tải như Windows Phone Store hay Apple Store vì các hãng này cho rằng hệ điều hành của họ không có khả năng bị nhiễm virus và chỉ khi nào người dùng tự "bẻ khóa" bằng jailbreak hay root hệ điều hành thì mới tạo ra những lỗ hổng bảo mật.

Sau thông tin Trung Quốc ngấm ngầm đưa "bản đồ lưỡi bò" vào Việt Nam qua WeChat được phát hiện, mặc dù nhiều ý kiến đồng tình đây là một hành động không thể chấp nhận được nhưng cũng có không ít người cho rằng việc tìm ra được yếu điểm và thổi bùng lên ngọn lửa dân tộc là một chiêu bài cạnh tranh “cực kì thông minh” của đối thủ với WeChat khi loại bỏ được đối thủ lớn nhất, xâm nhập thị trường đầu tiên.

Bên cạnh đó, trên Fan Page của mình, WeChat đã “đẩy” lỗi hiển thị bản đồ 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho bên thứ 3 (Google Maps) và cho rằng đơn vị này luôn tôn trọng sự chính xác của bản đồ thế giới. Mặc dù vậy, khi phóng viên ICTnews kiểm tra trên bản đổ ứng dụng của WeChat, để hiển thị được 2 quần đảo của Việt Nam, người dùng phải sử dụng chức năng phóng to khá nhiều lần và chỉ hiển thị duy nhất tên 2 quần đảo bằng tiếng Anh và không có biểu tượng các đảo. Trong đó, khi sử dụng Google Maps, biểu tượng các đảo của Việt Nam hiển thị khá rõ ràng và không cần phải phóng to nhiều như trên bản đồ của WeChat.

Do liên tục bị tẩy chay nên theo báo cáo của hãng nghiên cứu AppAnnie Intelligence ngày 3/2/2013, ứng dụng WeChat đã tụt xuống vị trí thứ 102 trong số top những phần mềm "hot" nhất trên Apple Store ở Việt Nam, trong khi cuối tháng 12/2012, WeChat còn đứng ở vị trí thứ 19. Các ứng dụng cùng loại khác đều nằm trong top 50 như Zalo (vị trí số 1), Kakao Talk (số 9), Line (số 16), Viber (số 49), Facebook Messenger (số 25)…

 

Xem thêm: Âm mưu thâm độc của Trung Quốc thông qua Wechat

Thế Phương/Ictnews