Quân sự

Vũ khí của Hải quân Việt Nam mạnh như thế nào?

Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam có truyền thống rất vẻ vang, lập công lớn trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Không quân và Hải quân Mỹ, nhất là thành tích chống phong toả đường biển và các nhiệm vụ được giao trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành gắn với từng giai đoạn phát triển của Hải quân nhân dân Việt Nam được giới thiệu trên Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, Infonet xin trích lược:

 

Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng của hải quân nhân dân Việt Nam

 

Tàu ngầm lớp Kilo 636 - binh chủng mới trong biên chế hải quân nhân dân Việt Nam

 

Giai đoạn (1955 - 1964): HQND Việt nam ra đời, gần 10 năm vừa xây dựng, vừa hoạt động trong điều kiện hoà bình.

HQND Việt Nam ra đời (7/5/1955)

Chiến dịch Đông xuân năm 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi, hoà bình được lập lại trên toàn cõi Đông Dương, nhưng đất nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền: miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, đi lên CNXH; miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc. Để bảo vệ chủ quyền, quản lý chặt chẽ một dải bờ biển miền Bắc dài trên 800 km từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17. Ngày 07/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ biển (tiền thân của HQND Việt Nam).

Vừa xây dựng, vừa hoạt động trong điều kiện hoà bình (1955 - 1964)

Quá trình xây dựng lực lượng tàu chiến đấu, căn cứ, cơ sở vật chất kỹ thuật

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, một trong những yêu cầu đòi hỏi có tính cấp thiết là phải nhanh chóng kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng cơ sở hạ tầng, bổ sung lực lượng để nâng cao khả năng bảo vệ, quản lý chủ quyền vùng biển được phân công. Nổi bật trong giai đoạn này là sự ra đời của lực lượng tàu phóng lôi (phiên hiệu Đoàn 135) và lực lượng tàu săn ngầm, có lượng giãn nước lớn và vận tốc cao thực sự lực lượng xung kích, mũi nhọn tiến công trên biển của hải quân; đặc biệt ngày 24/01/1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 320/NĐ thành lập Cục Hải quân thay Cục Phòng thủ bờ biển.

Các hoạt động bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

Cục Hải quân vừa thành lập, vừa phối hợp với các quân chủng, binh chủng bạn và nhân dân ven biển bảo vệ trật tự an ninh trên biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Bảo vệ quyền lợi quốc gia và nhân dân làm ăn trên biển, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu hoạt động gián điệp và xâm lược của địch, từng bước hình thành một Quân chủng, dần đảm đương vai trò làm nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ vùng biển miền Bắc XHCN. Ngày 03/01/1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 01/QP thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân (Thiếu tướng Tạ Xuân Thu được chỉ định làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ).

Lập nên chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05/8/1964.

Trước nguy cơ thất bại của Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Tổng thống Mỹ Giônxơn đã quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Để thực hiện kế hoạch đó, đêm ngày 31/7/1964, rạng sáng 01/8/1964, tàu khu trục Ma Đốc của Mỹ đã tiến sâu vào vùng biển Việt Nam và gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân ta. Với ý chí quyết đánh, giám đánh và quyết tâm trừng trị kẻ xâm phạm. Ngày 2/8/1964, biên đội tàu phóng lôi: 333, 336, 339 xuất kích bất chấp sự chống trả của đối phương, cán bộ, chiến sỹ 3 tàu của HQND Việt Nam đã anh dũng kiên cường đánh trả buộc tàu Ma đốc phải tháo chạy ra khỏi hải phận vùng biển miền Bắc; lợi dụng sự kiện này, đêm ngày 04/8/1964, chính quyền Mỹ dựng lên vụ “Vịnh Bắc Bộ” vu cáo cho HQND Việt Nam cố ý tiến công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế, để lấy cớ ngày 05/8/1964 dùng lực lượng không quân tập kích ác liệt vào lực lượng Hải quân Việt Nam từ Sông Gianh, Cửa Hội, Lạch Trường đến Bãi Cháy, nhằm tiêu hao lượng tàu chiến đấu, quân cảng, kho tàng, nhiên liệu của HQND Việt Nam.

Trong trận đầu thử lửa, HQND Việt Nam đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội phòng không quốc gia, công an vũ trang, dân quân tự vệ các địa phương đập tan cuộc tập kích bằng Không quân của Mỹ, đã bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống Trung uý giặc lái Anvơrét (là phi công đầu tiên bị bắt ở miền Bắc).

Chiến thắng ngày 02 và 05/8/1964 là thắng lợi có ý nghĩa về chính trị, có tiếng vang lớn trên thế giới của quân và dân Việt Nam. Ngày 2 và 5/8/1964, mãi mãi trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của HQND Việt Nam và của quân, dân miền Bắc.

Giai đoạn (1964 - 1975): HQND Việt Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc

HQND Việt Nam cùng quân dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc XHCN.

Trước nguy cơ thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh đưa quân Mỹ vào miền Nam, tiến hành cuộc “chiến tranh cục bộ” bằng chính lực lượng viễn chinh và chư hầu, hòng cứu vãn nguy cơ sụp đổ của nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn. Đồng thời với âm mưu uy hiếp tinh thần nhân dân và phá huỷ tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miến Bắc đối với miền Nam, Mỹ tiến hành mở rộng cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Cùng với cả nước, HQND Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, ác liệt chiến đấu anh dũng, bắn rơi 118 máy bay, bắn chìm và bị thương 45 tàu thuyền của địch, góp phần đánh thắng chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

HQND Việt Nam làm nòng cốt đánh bại chiến dịch phong tỏa thuỷ lôi trên sông, biển miền Bắc

Cùng với việc sử dụng không quân và hải quân tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần tthứ nhất, ngày 26/02/1967, đế quốc Mỹ sử dụng nhiều máy bay xuất phát từ tàu sân bay của Biên đội 77, Hạm đội 7 thực hiện chiến dịch phong toả thuỷ lôi, bom từ trường vào hầu hết hệ thống giao thông thuỷ - bộ ven biển miền Bắc. Với quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, Hải quân Việt Nam phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt; lực lượng đầu tiên, trực tiếp và chủ yếu trong tháo gỡ, rà phá, làm mất hiệu lực 2.400 quả thuỷ lôi, mở tuyến thông luồng bảo đảm cho tàu thuyền hoạt động, sản xuất, tiếp nhận, vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam trên hầu hết các cửa sông, cửa biển và hải cảng; đánh bại một phương thức tác chiến chiến lược rất thâm độc của địch.

HQND Việt Nam mở đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển chi viện cho cách mạng miền Nam.

Để chi viện cho cách mạng miền Nam, cùng với Đoàn 559 mở đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn. Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125) được thành lập ngày 23/10/1961 để mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Một trong số những con tàu Không số trong hải trình chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh: Tư liệu)

Trong suốt 14 năm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, HQND Việt Nam đã chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, mưu trí vượt qua các tuyến bao vây, phong toả, đối phó với từng thủ đoạn của địch; sáng tạo nhiều phương thức hoạt động độc đáo, táo bạo; hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi thuộc hầu hết các tỉnh ven biển miền Nam, đến tận cùng của đất nước và sát cửa ngõ Sài Gòn; vận chuyển kịp thời và đúng thời cơ hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, hàng chục ngàn lượt người đến những chiến trường khó khăn nhất, nơi mà con đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới được, góp phần chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam.

Huấn luyện lực lượng Đặc công Hải quân tiến công địch trên chiến trường sông, biển miền Nam.

Với nhiệm vụ tiến công địch trên chiến trường sông biển miền Nam, đánh phá các căn cứ hậu cần, kho tàng, hải cảng, triệt phá các đường giao thông thủy bộ quan trọng, tạo thế bao vây quân Mỹ, ngụy trở thành một lực lượng chiến lược của lực lượng vũ trang ở miền Nam, Hải quân Việt Nam được đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện cán bộ, chiến sỹ đặc công nước chi viện cho các chiến trường và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà. Hải quân Việt Nam đã huấn luyện đào tạo, bổ sung cho các chiến trường miền Nam được hơn 5.000 cán bộ, chiến sỹ đặc công. Trong 7 năm, chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà. Đặc công Hải quân đã đánh 300 trận; đánh chìm, đánh hỏng 336 tàu xuồng chiến đấu, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Góp phần cùng các lực lượng trên khắp chiến trường miền Nam đánh chìm, đánh hỏng 7.473 tàu thuyền, đánh sập hàng trăm cầu cống, vật chất phục vụ chiến tranh, cùng quân dân miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

HQND Việt Nam tham gia cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975

Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, Hải quân Việt Nam đã huy động đến mức cao nhất lực lượng tàu thuyền chiến đấu và vận tải để đưa gần 4.000 cán bộ, chiến sỹ đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chở pháo, xe tăng, vũ khí các loại từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Dùng tàu chiến thả thủy lôi ở cửa biển Thuận An - Bán đảo Sơn Trà để chặn địch tháo chạy ra biển, góp phần tạo điều kiện để các đơn vị bộ binh giải phóng các thành phố, các tỉnh ven biển, tiếp quản căn cứ Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh; đồng thời dùng lực lượng tàu của Đoàn 125 chở đoàn Đặc công 126 và phối hợp với một bộ phận của lực lượng Quân khu 5 chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi vĩ đại và trọn vẹn của dân tộc.

Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi vẻ vang, non sông đất nước ta liền một dải. Cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới. Quân chủng Hải quân cùng quân dân cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, HQND Việt vừa thực hiện điều chỉnh tổ chức, bố trí, sắp xếp lại lực lượng, chuyển từ nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu sang nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; vừa phải tham gia quản lý, ổn định vùng mới giải phóng, giải quyết nhiều vấn đề sau chiến tranh và làm kinh tế. Trước yêu cầu xây dựng từng bước chính quy, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc, ngày 26/10, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 141/QĐ-QP tổ chức 5 vùng duyên hải: Vùng 1, Vùng 2, Vùng 3, Vùng 4, Vùng 5 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, mỗi Vùng có nhiệm vụ phụ trách từng khu vực duyên hải được phân công.

Giai đoạn (1976 - 2012): HQND Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế và tập trung xây dựng Quân chủng

HQND Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (1979 - 1989) và giúp đỡ Lào.

Chỉ sau 3 ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, bọn Pôn pốt-Iêng-xa-ry đã xua quân tiến công Đảo Phú Quốc, Thổ Chu và tàn sát, bắt đi hàng trăm dân thường Việt Nam. Năm 1978, cuộc xung đột biên giới trở thành cuộc chiến tranh thực sự.

Trên hướng biển Tây Nam, HQND Việt Nam đã cùng các quân, binh chủng tiến hành các cuộc chiến đấu trên hướng chiến lược quan trọng của chiến dịch, cùng các lực lượng tiêu diệt 1.241 tên địch, bắt sống và gọi hàng 1.680 tên, giải phóng 12.300 dân, đánh chìm 27 tàu chiến, góp phần giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh, thành phố Cô Công, các vùng biển Campuchia, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Sau ngày 7/01/1979, một lực lượng cán bộ, chiến sỹ HQND Việt Nam đã ở lại để bảo vệ công cuộc hồi sinh của nhân dân Campuchia cho đến năm 1989 mới rút quân về nước; đồng thời, từ năm 1976 - 1988, giúp bạn Lào tổ chức xây dựng lực lượng, đào tạo huấn luyện hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và thợ kỹ thuật, giúp bạn đóng mới một số tàu vận tải, đảm bảo kỹ thuật và viện trợ 14 tàu PBR, 33 tấn phụ tùng, sửa chữa 97 tàu, trang bị hàng chục máy công cụ, khôi phục Xưởng Chinaimô, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào.

Củng cố và phát triển lực lượng, xây dựng HQND Việt Nam theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng ta về xây dựng quân đội trong giai đoạn mới, đó là: “Phải xây dựng quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, có tổ chức hợp lý, cân đối, gọn và mạnh, có kỷ luật chặt chẽ, có trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu cao...” Đảng ủy Quân chủng đã chỉ đạo tiến hành các đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là các quan điểm, chủ trương của Đảng về quốc phòng, an ninh, về xây dựng quân đội theo tinh thần đổi mới; đồng thời thực hiện chủ trương chấn chỉnh, tinh giản về tổ chức biên chế, nâng cao sức mạnh chiến đấu. Đảng ủy Quân chủng cũng xác định: “Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và cũng là vinh dự của Quân chủng” và tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh toàn diện theo phương hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao. Đặc biệt xuất phát từ tình hình nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay và tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX về việc xây dựng một bộ phận Quân đội tiến lên hiện đại, trong đó có Quân chủng Hải quân, tức là “Xây dựnâmHỉ quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại”. Trên tinh thần đó, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Quân chủng xác định cần tập trung vào các lực lượng: Lực lượng quan sát phát hiện mục tiêu; lực lượng thông tin liên lạc; lực lượng tàu ngầm; lực lượng tàu mặt nước; lực lượng Không quân Hải quân; lực lượng tên lửa pháo bờ. Nổi bật trong giai đoạn này là việc thành lập các đơn vị mới của Quân chủng (Vùng 2 Hải quân, Đoàn 681, Đoàn 685 và Đoàn 189 tàu ngầm hiện đại); nâng cấp các Vùng Hải quân lên thành Bộ Tư lệnh Vùng. Đồng chí Nguyễn Văn Hiến - Tư lệnh Quân chủng đã được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được thăng quân hàm Đô đốc; đồng thời mua sắm trang bị các phương tiện, các loại vũ khí hiện đại, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định của đất nước và khu vực, luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân cả nước.

Từ Ban Nghiên cứu Thuỷ quân đến Quân chủng Hải quân

Ngày 08/3/1949, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam ban hành Nghị định số 604/QĐ, thành lập Ban Nghiên cứu Thủy quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Ban Nghiên cứu Thủy quân có 3 ban chuyên môn là hàng hải, thông tin hàng hải, điện cơ máy nổ và các bộ phận hành chính, quân sự, hậu cần, có nhiệm vụ: Nghiên cứu phương án xây dựng và chiến đấu của lực lượng thủy quân, phù hợp với thực tiễn hiện nay và trong tương lai; Tập hợp đội ngũ cán bộ, công nhân viên hải quân cũ, tạo điều kiện xây dựng cơ sở ban đầu; Tuyển mộ, huấn luyện đào tạo một đội ngũ thủ quân cách mạng, trẻ, có trình độ khoa học kỹ thuật hàng hải. Ngày 10/8/1950, Đội Thuỷ binh 71 được thành lập dưới sự chỉ đạo của Ban Nghiên cứu Thuỷ quân. Tuy nhiên trước yêu cầu góp phần duy trì chiến tranh du kích ở vùng Đông Bắc và châu thổ duyên hải Bắc Bộ, đầu năm 1951, Bộ Quốc phòng quyết định giải thể Ban Nghiên cứu Thuỷ quân và Đội Thuỷ binh 71.

Bộ đội Hải quân góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc Việt Nam (Ảnh: Tư liệu)

Ngay sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết, thực hiện nghị quyết của Tổng Quân ủy về xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển, ngày 07/5/1955, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh ban hành Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ biển và ngày 7/5/1955 được coi là ngày thành lập Quân chủng Hải quân. Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh, ngày 24/8/1955, lễ thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng được tổ chức tại Trường Huấn luyện bờ biển, đánh dấu bước phát triển ban đầu của lực lượng chiến đấu trên sông biển của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đây cũng là những đơn vị tàu chiến đấu chính quy đầu tiên của Hải quân Việt Nam.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và căn cứ vào kế hoạch quân sự 5 năm (1955 - 1960), ngày 24/01/1959, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 320/NĐ thành lập Cục Hải quân trên cơ sở Cục Phòng thủ bờ biển trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Nhiệm vụ chính của Cục Hải quân là giúp Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh nghiên cứu, thực hiện kế hoạch xây dựng lực lượng hải quân, chỉ huy lực lượng hải quân, quản lý quân cảng, phối hợp với các binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu trong thời chiến. Ngày 21/01/1959 đánh dấu bước phát triển quan trọng của hải quân, từ nhiệm vụ nghiên cứu chuyển sang chỉ đạo, chỉ huy mọi hoạt động của các lực lượng hải quân.

Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 03/01/1964, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 01/QĐ đổi tên Cục Hải quân thành Bộ Tư lệnh Hải quân với nhiệm vụ: lãnh đạo, chỉ huy xây dựng Quân chủng Hải quân, tự đảm nhận nhiệm vụ hoạt động chiến đấu trên không phận, hải phận, bờ biển miền Bắc. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam về quy mô tổ chức và sức mạnh chiến đấu trên con đường xây dựng một quân chủng mới - Quân chủng Hải quân, một quân chủng chiến đấu bằng lực lượng binh chủng hợp thành và phương tiện kỹ thuật hiện đại, lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông nước, biển và hải đảo của Tổ quốc.

Ngày 02/8/1964, chỉ với 3 tàu phóng ngư lôi, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã mưu trí, anh dũng đánh đuổi tàu Mađốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam; ngày 05/8/1964, Hải quân nhân dân Việt Nam cùng với lực lượng phòng không ba thứ quân và nhân dân miền Bắc đánh bại kế hoạch tiến công “Mũi tên xuyên” của Không quân Mỹ, mở đầu trang sử chiến đấu trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Ngoài nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Bắc, Hải quân nhân dân Việt Nam còn thực hiện xuất sắc một nhiệm vụ khác đặc biệt quan trọng góp phần rất lớn vào công cuộc kháng chiến của quân dân miền Nam là trực tiếp xây dựng Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên Biển Đông. Đây là sự độc đáo và sáng tạo của cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Lữ đoàn 125 mà tiền thân là Đoàn 759 được thành lập ngày 23/10/1961 đã thực hiện hàng trăm chuyến tàu vận chuyển 6.105 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngoài ra, lực lượng Đặc công nước của Quân chủng Hải quân, bằng cách đánh sáng tạo, mưu trí và dũng cảm đã lập nên nhiều chiến công vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, điển hình là các cuộc tiến công vào cảng Cửa Việt, Đông Hà, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta ở miền Nam.

Trong chiến dịch phong tỏa đường biển của đế quốc Mỹ (1972), Bộ Tổng Tham mưu giao nhiệm vụ cho Quân chủng Hải quân tổ chức lực lượng rà phá, tháo gỡ bom, mìn, thủy lôi địch thả ở các cảng, cửa sông và vùng ven biển, cùng với Bộ Tư lệnh Công binh, Viện Kỹ thuật quân sự nghiên cứu các kỹ thuật rà phá thủy lôi, mở thông luồng lạch, mở các đường và luồng lạch mới, lập bến mới, góp phần tiếp nhận hàng viện trợ từ nước ngoài qua đường biển, góp phần đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ lên một giai đoạn mới.

Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Hải quân đã làm tốt công tác chuẩn bị, huy động số lượng tàu thuyền vận tải, tàu chiến đấu, quân số ở mức cao nhất bảo đảm làm tốt công tác phục vụ chiến đấu, chi viện kịp thời cho chiến trường. Quân chủng Hải quân đã huy động, phát huy mọi khả năng sẵn có, kịp thời giải phóng các đảo và tổ chức lực lượng phòng thủ giữ vững chắc, đáp ứng yêu cầu chiến dịch, thực hiện tốt ý đồ chiến lược đề ra, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và giúp đỡ Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Hải quân Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ là lực lượng trực tiếp chiến đấu, cùng với các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam và Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đánh thắng hải quân địch, góp phần giải phóng đất nước Campuchia, làm tròn nhiệm vụ quốc tế vẻ vang. Quân chủng Hải quân đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm về chuẩn bị, thực hiện cơ động vận động tác chiến trên biển, tác chiến đổ bộ lên đất liền, lên đảo, tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng quân binh chủng.

Hiện nay, Hải quân nhân dân Việt Nam được tăng cường trang bị vũ khí hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu để có đủ khả năng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quản lý và kiểm soát chặt chẽ các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; giữ gìn an ninh, chống lại mọi hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên biển; bảo vệ các hoạt động bình thường của Việt Nam trên các vùng biển đảo, theo quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam; bảo đảm an toàn hàng hải và tham gia tìm kiếm cứu nạn theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác nhằm đánh bại mọi cuộc tiến công xâm lược trên hướng biển.

 

 

Theo: Infonet