Báo Mới

Vụ án oan 10 năm: Xuất hiện dấu hiệu làm lộ bí mật Nhà nước?

"Ông Chấn không thể tự mình biết được hết các thông tin về nạn nhân, hiện trường vụ án, thời gian nạn nhân bị giết để diễn lại vụ án một cách logic để lừa gạt được". 

Đó là ý kiến của luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ về vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang được dư luận đặc biệt quan tâm với nhiều tình tiết cần được cơ quan tố tụng làm rõ. Trong đó có nội dung ông Chấn nói bị các điều tra viên trong vụ án này “ép cung” dẫn đến bị kết tội oan.

Theo đó, năm 2004, ông Chấn bị hai cấp xét xử tuyên án chung thân vì tội Giết người. Khi thụ án tại trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công an), ông Chấn đã viết một số đơn kêu oan. Trong lá đơn viết năm 2007 gửi Viện trưởng VKSND Tối cao, ông Chấn cho biết, ngày 15/8/2003, sau khi phát hiện chị Nguyễn Thị Hoan (hàng xóm) bị giết, ông là người gọi điện báo cho công an huyện, là người đi mua quan tài.

Chừng nửa tháng sau đó, công an đã bắt ông vì cho rằng đã giết chị Hoan trong thời gian đi xin nước từ khoảng 19h đến 19h25, trong khi lúc đó ông có chứng cứ ngoại phạm là đang bấm máy cho khách hàng gọi điện thoại.

Trong lá đơn kín 6 mặt giấy, ông Chấn cho biết: “Do bị tra tấn đánh đập, làm cho hoảng loạn, sợ hãi, tôi buộc phải nhận và làm theo những gì công an hướng dẫn mà thực tế không phải như vậy… Tôi không giết chị Hoan”.

Vụ án oan 10 năm: Xuất hiện dấu hiệu làm lộ bí mật Nhà nước?-image-1384401078713

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Chấn (ngồi bên phải) trong ngày đoàn viên cùng người thân.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe chia sẻ tiếp, thời gian gần đây, rất nhiều báo, đài đã đưa tin về việc oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn như được một dịp tỏ lòng và sẻ chia cùng gia đình sau khi ông được tạm tha về. Từ đây, ông Chấn cũng đã tố cáo bị cơ quan điều tra ép cung, bắt ông nhận tội và phải đằng đẵng chịu án oan 10 năm trong tù.

Luật sư Hòe phân tích: Việc ông Chấn đã có những lời khai để cơ quan tố tụng từ điều tra, truy tố và xét xử buộc được tội “Giết người” với khung hình phạt tử hình và rất may vì ông là con liệt sĩ mà thoát được tội chết. Đây là một cơ sở để khẳng định cơ quan điều tra đã có “phương án” đấu tranh để buộc tội ông này. Bởi nguyên tắc của việc điều tra, thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ phải dựa trên các quy định của pháp luật. Tài liệu do cơ quan điều tra thu thập được phải phù hợp với các chứng cứ khác thì mới được công nhận là chứng cứ.

Vậy, cơ quan điều tra khi đã thu thập được một chứng cứ nào đó mà cho rằng ông Chấn có hành vi giết người thì cơ quan điều tra đã đưa ra được giả thiết về phương pháp suy đoán buộc tội này. Do vậy họ đã đấu tranh bằng cách này, cách kia để người tình nghi nhận tội.

Đây là phương pháp điều tra từ việc suy đoán buộc tội dẫn đến các rủi ro cho người bị tình nghi phạm tội khi các chứng cứ chưa đầy đủ, thiếu tính thuyết phục. Vì thế, cơ quan điều tra đã phải dùng các phương pháp dựng lại hiện trường, thu thập về dụng cụ gây án, thu thập nhân chứng và các tình tiết khác.

Thường thì quy trình điều tra được quy định rất chặt chẽ như không gian phạm tội, rồi quá trình dựng lại hiện trường vụ án. Rất có thể đây là yếu tố quan trọng để lại oan sai. Vậy ai đã làm cho ông Chấn phải nhận tội và dựng lại hiện trường rất khớp với các tình tiết liên quan đến người bị hại? Lý do nào để ông Chấn có được các thông tin về nạn nhân và hiện trường khi tất cả các thông tin liên quan đến vụ án được luật pháp quy định được coi là “bí mật quốc gia”?

Và ai đã cung cấp cho ông Chấn các hành vi thuần thục để ông này tham gia dựng lại hiện trường? Đây là một vấn đề cơ quan chức năng phải làm rõ và cũng cần phải đặt câu hỏi: Cơ quan điều tra thực sự đã mớm cung để ông Chấn diễn lại vụ án có phải là việc tiết lộ bí mật quốc gia?

Vụ án oan 10 năm: Xuất hiện dấu hiệu làm lộ bí mật Nhà nước?-image-1384401081047

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội)

“Ở đây, ông Chấn đã tố cáo các điều tra viên, kiểm sát viên ép cung khiến ông nhận tội có thể là không có căn cứ như là hình ảnh, lời chứng của các nhân chứng khác, hay băng ghi hình, ghi âm… Nhưng ông Chấn không thể tự mình biết được hết các thông tin về nạn nhân, hiện trường vụ án, thời gian nạn nhân bị giết để diễn lại một vụ án một cách lô-gíc để lừa gạt được cả cơ quan truy tố cấp sở thẩm, cấp phúc thẩm quả là vấn đề thật khó giải thích (!?)” - luật sư Hòe cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi: "Nếu ông Chấn tố cáo mà cơ quan điều tra không kết tội được các điều tra viên thì ông Chấn có phạm tội vu khống không?", luật sư Hòe cho hay: Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với nhiều người; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người thi hành công vụ; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tuy nhiên, ông Chấn khó có thể bị kết tội với lý do như tôi đã phân tích ở trên được. Vậy ai sẽ là người có tội ép cung hoặc làm tiết lộ bí mật thông tin Nhà nước chắc chúng ta và ông Chấn vẫn phải chờ một phiên tòa tái thẩm công minh sắp mới xác định được (?).

Mời bạn xem thêm:  Gia đình ông Chấn: Vợ tâm thần, con bỏ học, mẹ già tủi nhục

 Hồng Long (SOHA)