Nhịp sống số

Với tính năng selfie, hãng smartphone chưa ai từng nghe tên này đánh bại cả Apple, Samsung, Huawei... ở châu Phi như thế nào?

Một trong những hãng smartphone lớn nhất Trung Quốc lại chưa bao giờ bán chiếc điện thoại ở quê hương mình. Nhưng hãng đó lại đang thống trị ở một nơi cách quốc gia này hàng nghìn kilomet, châu Phi. Cho dù vô danh với phương Tây và nhiều nơi trên thế giới, Transsion đang bỏ xa các công ty toàn cầu như Samsung và Apple, thậm chí cả người đồng hương Huawei để trỗi dậy ở một lục địa có hơn một tỷ người.

Trong các thành phố như Lagos, Nairobi hay Addis Ababa, các con phố tấp nập đều có sự hiện diện của những biển hiệu màu xanh sáng, đặc trưng cho thương hiệu hàng đầu của Transsion, Tecno. Ở Trung Quốc, công ty này không có lấy một cửa hàng nào, và tòa tháp trụ sở chính của họ ở thành phố Thâm Quyến nằm không mấy nổi bật giữa những ngôi nhà chọc trời thuộc về các hãng công nghệ nối tiếng của Trung Quốc.

Không giống như những nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, vốn thường bắt đầu ở Trung Quốc trước khi vươn ra nước ngoài, công ty này có một hướng đi hoàn toàn khác để hướng tới thành công.

Transsion bắt đầu mảng kinh doanh của mình ở châu Phi. Và họ cũng không có ý định quay lại quê nhà.

Khả năng selfie hoàn hảo

Điểm nhấn đầu tiên của smartphone Tecno chính là khả năng selfie. Theo giải thích của Arif Chowdhury, phó chủ tịch của Transsion, các camera của Tecno được tối ưu cho màu da người châu Phi. "Camera của chúng tôi điều chỉnh để có nhiều ánh sáng hơn đối với da màu sẫm, vì vậy bức ảnh trở nên đẹp hơn." Ông cho biết. "Đó là một trong những lý do chúng tôi trở nên thành công."

Nhà sáng lập Transsion, George Zhu đã dành gần một thập kỷ du lịch ở châu Phi khi ông là người đứng đầu bộ phận bán hàng cho một công ty điện thoại khác. Khi đó, ông nhận ra rằng, việc bán mang những thiết bị dành cho các thị trường phát triển bán cho người châu Phi là cách tiếp cận sai lầm.

Nhận định của ông đến vào thời điểm không thể tốt hơn. Vào giữa những năm 2000, thông qua chiến lược "Going Out" của mình, chính phủ Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp nhìn ra bên ngoài và thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Phi. Điện thoại di động đang nhanh chóng phổ biến ở Trung Quốc, nhưng ở châu Phi – chúng vẫn là một món hàng xa xỉ.

Với dân số tương đương Trung Quốc, có thể thấy, châu Phi đang trở thành Trung Quốc mới.

Với tính năng selfie, hãng smartphone chưa ai từng nghe tên này đánh bại cả Apple, Samsung, Huawei... ở châu Phi như thế nào? - Ảnh 3.

Đến năm 2018, mới chỉ có 29% dân số châu Phi sử dụng smartphone, trong khi ở Trung Quốc là 97%.

Cho người tiêu dùng cái họ muốn

Năm 2006, Zhu ra mắt Tecno ở Nigeria, nhắm đến quốc gia có dân số đông nhất châu Phi trước tiên. Ngay từ đầu, khẩu hiệu của công ty là "tư duy toàn cầu, hành động địa phương" (think globally, act locally), nghĩa là làm những chiếc điện thoại phù hợp với nhu cầu cụ thể của người dùng châu Phi.

"Khi chúng tôi bắt đầu công việc kinh doanh ở châu Phi, chúng tôi nhận thấy mọi người có hàng loạt thẻ SIM trong ví của mình." Chowdhury cho biết. Theo Nabila Popal, người theo dõi việc sử dụng thiết bị ở châu Phi cho hãng nghiên cứu IDC, họ liên tục phải thay đổi thẻ SIM giữa các nhà mạng trong ngày tránh mức cước phí đắt đỏ.

"Họ không đủ tiền mua hai chiếc điện thoại." Chowdhury cho biết. "Vì vậy chúng tôi mang đến giải pháp cho họ." Mọi chiếc điện thoại Tecno đều có dual SIM.

Tiếp theo đó là các sáng tạo khác. Transsion mở các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc, Nigeria và Kenya để tìm cách trở nên hấp dẫn hơn đối với người dùng châu Phi. Các ngôn ngữ bản địa như Amharic, Hausa và Swahili được bổ sung vào bàn phím, và điện thoại có thời lượng pin lâu hơn.

Thời lượng pin là yếu tố rất quan trọng ở đây. Tại Nigeria, Nam Phi và Ethiopia, điện thường xuyên bị cắt để bảo toàn hệ thống, làm mọi người không thể sạc điện thoại trong nhiều giờ. Thậm chí, ông Chowdhury cho biết, ở các thị trường kém phát triển hơn, như Cộng hòa Congo, người dùng còn phải đi bộ 30 km để sạc điện thoại tại một khu chợ địa phương – và còn phải trả tiền để được sạc. "Đối với những người dùng như vậy, thời lượng pin dài hơn là điều đáng mơ ước."

Sewedo Nupowaku, CEO của Revolution Media. một công ty giải trí ở Lagos, cho biết, anh đã đổi từ Samsung S3 sang Tecno L8 vì lý do này. "Tôi có thể trò chuyện, lướt web trong suốt 24 giờ mà không gặp vấn đề gì. Với Samsung, điều đó là không thể."

Với tính năng selfie, hãng smartphone chưa ai từng nghe tên này đánh bại cả Apple, Samsung, Huawei... ở châu Phi như thế nào? - Ảnh 5.

Mức giá trung bình của smartphone ở châu Phi

Nhưng có lẽ bước đi thông minh nhất của Transsion là việc định giá. Họ có 3 thương hiệu chính: Tecno, Infinix và Itel. Phần lớn các điện thoại cơ bản và smartphone của họ có mức giá dao động từ 15 USD đến 200 USD.

Mesert Baru, một người bán hàng ở Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, cho biết, cô mua chiếc điện thoại Tecno của mình với giá 2.000 birr (khoảng 72 USD). Tại một cửa hàng điện thoại gần nơi cô làm việc, chiếc iPhone 7 có giá tương đương 906 USD, Samsung Galaxy J7 có giá khoảng 360 USD. Lương tháng trung bình ở Ethiopia thường từ 1.500 birr (54 USD) đến 3.000 birr (108 USD), và phần lớn các nhà cung cấp tại châu Phi không cho người dùng trả chậm.

"Khoảng 95% smartphone của Transsion có giá dưới 200 USD." Mo Jia, nhà phân tích tại hãng nghiên cứu công nghệ Canalys. "Họ là vua trong smartphone giá rẻ."

Với tính năng selfie, hãng smartphone chưa ai từng nghe tên này đánh bại cả Apple, Samsung, Huawei... ở châu Phi như thế nào? - Ảnh 6.

Cửa hàng của Tecno trên phố Bole Road ở Addis Ababa, thủ đô Ethiopia.

Tecno: Chúng tôi là châu Phi

Chưa đến một thập kỷ trước, điện thoại Trung Quốc hiếm khi xuất hiện ở châu Phi. Năm 2010, Nokia và Samsung đã thống trị doanh số trên toàn châu lục này. Nhưng trong nửa đầu năm nay, khi Nokia đã suy sụp còn Samsung chỉ còn chiếm khoảng 10%. Theo Canalys, Transsion hiện đã chiếm hơn 50% thị phần. Đối với riêng smartphone, theo IDC, hãng này đã chiếm đến gần 1/3 toàn bộ doanh số điện thoại ở châu Phi.

Theo Jia, Apple đang bằng lòng với thị trường châu Phi, bởi vì họ cho rằng, lợi nhuận mỏng manh của các điện thoại giá rẻ không đáng để công ty đầu tư vào. Trong khi đó, Transsion đang hạnh phúc với mức lợi nhuận mỏng manh đó.

Với tính năng selfie, hãng smartphone chưa ai từng nghe tên này đánh bại cả Apple, Samsung, Huawei... ở châu Phi như thế nào? - Ảnh 7.

Thị phần smartphone ở châu Phi tính đến 2018.

Sự trỗi dậy của Transsion phản ánh vai trò ngày càng lớn của các công ty Trung Quốc trong việc cung cấp công nghệ để mọi người trên khắp châu Phi sử dụng để liên lạc, bao gồm cả mạng lưới internet tốc độ cao. Bất chấp việc các quốc gia như Mỹ hay Úc lo ngại về bảo mật đối với các thiết bị của Huawei và ZTE, Jia kỳ vọng nhu cầu dành cho các sản phẩm Trung Quốc vẫn đứng vững ở châu Phi, nơi cả chính phủ và người tiêu dùng đều rất nhạy cảm về giá.

Trong hoạt động tiếp thị của mình, Transsion hạn chế nhắc đến nguồn gốc Trung Quốc của mình. "Ở châu Phi, chúng tôi nói rằng, chúng tôi là người châu Phi." Ông Chowdhury giải thích tại sao các cửa hàng Tecno của mình không có chữ Trung Quốc nào hoặc có dấu hiệu nào cho thấy mình là một thương hiệu Trung Quốc.

Trong báo cáo 100 thương hiệu châu Phi Brand Africa 100 2017-2018, được đăng tải trên tạp chí Africa Business, Tecno đứng thứ 7 trong số các thương hiệu đáng hâm mộ ở châu Phi. Thứ hạng này đã tăng lên từ vị trí thứ 14 của năm ngoái, nhưng nó vẫn đứng sau Samsung (thứ hai) và Apple (thứ 5). IPhone vẫn được xem là một sản phẩm sang trọng mà người châu Phi khao khát được sở hữu.

Với tính năng selfie, hãng smartphone chưa ai từng nghe tên này đánh bại cả Apple, Samsung, Huawei... ở châu Phi như thế nào? - Ảnh 8.

Nhà máy lắp ráp của Transsion ở Addis Ababa, Ethiopia.

Ở Ethiopia, Transsion đã tiến một bước dài hơn trong loại bỏ nguồn gốc Trung Quốc của mình. Từ năm 2011, mọi chiếc điện thoại họ bán ra ở quốc gia đông dân thứ hai châu Phi đều được lắp ráp trong các cơ sở của mình ở ngoại ô Addis Ababa. Khoảng 700 công nhân lắp ráp lại các màn hình, bản mạch và pin sản xuất tại Thâm Quyến để làm nên khoảng 2.000 smartphone và 4.000 điện thoại cơ bản mỗi ngày.

Transsion cho biết, họ có tổng cộng khoảng 10.000 công nhân bản địa ở châu Phi, và 6.000 người ở Trung Quốc. Theo Jia, lực lượng lao động giá rẻ ở châu Phi giúp họ hạ giá sản phẩm. Nó cũng làm người dùng cảm thấy hấp dẫn hơn khi mua nó. "Tôi thích điện thoại của mình được làm tại Ethiopia." Mesert cho biết.

Với tính năng selfie, hãng smartphone chưa ai từng nghe tên này đánh bại cả Apple, Samsung, Huawei... ở châu Phi như thế nào? - Ảnh 9.

Tòa nhà văn phòng khiêm nhường của Transsion ở Thượng Hải.

Đối thủ bản địa của Spotify

Nigeria, với dân số 186 triệu người, đang là thị trường lớn nhất của Transsion. Họ kết nối với người tiêu dùng ở đây thông qua một trong những niềm đam mê lớn nhất của họ: âm nhạc.

Oye Akideinde, một rapper nghiệp dư đã chuyển thành nhà phát triển phần mềm, được Tecno tuyển dụng vào năm 2015 để ra mắt một ứng dụng âm nhạc có tên Boomplay, đối thủ bản địa cho iTunes hay Spotify. Theo Akideinde, phần lớn người dùng internet ở Nigeria lớn lên cùng với việc tải nhạc bất hợp pháp, hoặc stream miễn phí từ YouTube.

 

Tầm nhìn của Tecno là nhằm thu hút những người yêu nhạc bằng cách thống nhất các nghệ sĩ châu Phi và quốc tế trong một nền tảng duy nhất với tính năng tải xuống có mức phí dễ chịu và có thể stream miễn phí với quảng cáo. Họ cài sẵn ứng dụng này trong mọi chiếc smartphone của Tecno và biến nó thành ứng dụng nghe nhạc mặc định. Giờ đây, ứng dụng này đã có 32 triệu người dùng.

Năm ngoái, Tecno đã tách Boomplay và bộ phận ứng dụng nghe nhạc của mình thành một công ty mới, TranssNet. Được NetEase, một công ty internet của Trung Quốc trị giá 30 tỷ USD, chống lưng, TranssNet có kế hoạch ra mắt một bộ ứng dụng tài chính trên smartphone do Transsion làm ra.

Các công ty Trung Quốc đang tích cực sử dụng công nghệ để đánh vào thói quen chi tiêu của người châu Phi. Trong năm 2015, hãng vận hành thanh toán di động Kenya M-Pesa đã sáp nhập toàn bộ 12,8 triệu người thuê bao của mình sang nền tảng Mobile Money của Huawei khi công ty mở rộng sang Đông Phi và xa hơn nữa. Động thái này nhằm gia tăng số lượng giao dịch mà M-Pesa có thể xử lý, và tập người dùng của ứng dụng đã tăng gấp đôi kể từ đó đến nay.

Mở rộng sang Ấn Độ và xa hơn nữa

Đối với Transsion, tăng trưởng trong tương lai sẽ đến từ việc xây dựng hoạt động kinh doanh của mình ra bên ngoài châu Phi tới các thị trường đang phát triển khác, ví dụ như Nga, Indonesia và Bangladesh. Năm 2017, họ ra mắt Tecno ở Ấn Độ và trong vòng một năm, theo IDC, thương hiệu này đã chiếm 5% thị phần của thị trường rộng lớn này.

Làm thế nào Tecno có thể phát triển nhanh như vậy? Ông Chowdhury của Transsion cho biết, việc sáng tạo phù hợp với nhu cầu bản địa đã giúp hãng làm được như vậy.

"Người Ấn Độ sử dụng tay của mình để bốc đồ ăn," ông cho biết. "Vì vậy ngón tay của họ hay bị dính dầu. Vậy sẽ thế nào nếu bạn đang ăn trưa và sếp của bạn gọi? Bạn cố gắng nhận cuộc gọi nhưng dấu vân tay sẽ làm nó không sử dụng được." Giải pháp: làm màn hình có thể đọc được dấu tay bị bám dầu.

Theo Trí thức trẻ, Genk

 

"Trên tay sớm" Google Pixel 3 XL: Camera selfie kép, màn hình OLED, giá gấp đôi iPhone XS

(Techz.vn) Phải đến ngày 10/10 thì thế hệ smartphone Pixel thứ ba của Google mới chính thức ra mắt, nhưng vì lý do nào đó, một cửa hàng tại Hồng Kông đã có được chiếc Pixel 3 XL và ra mức giá rất "hữu nghị": 2.030 USD, tức gấp đôi iPhone XS.