Điện thoại

Với Bphone 3 tràn đáy, BKAV đã dẫn dắt thiết kế xu hướng mới

Thiết kế smartphone nhiều năm trở lại đây bị đánh giá là nhàm chán, mặc dù các nhà sản xuất cố gắng tạo ra sự thay đổi như bỏ nút Home, chuyển cảm biến vân tay ra sau lưng, thay đổi cách sắp xếp vị trí camera mặt sau lưng, thậm chí lộn ngược đưa camera selfie xuống dưới. Kích cỡ smartphone được tiến hoá dần dần, bo góc hơi khác nhau, chất liệu có thể thay đổi nhưng xét về thiết kế tổng thể, chúng ta khó có thể trông chờ gì hơn ở một chiếc smartphone – hình chữ nhật, màn hình cảm ứng chạm lớn, giảm thiểu nút vật lý.

Chỉ có hai nhà sản xuất lớn là Samsung và Apple, dù có thể không phải là người đầu tiên, nhưng đã tạo được xu hướng trong thiết kế smartphone nhờ sự thay đổi có tính đột phá là màn hình tràn hai bên viền và màn hình tai thỏ. Lý do giải thích cho sự đột phá hiếm hoi trong thiết kế theo các chuyên gia phân tích là bởi các nhà sản xuất smartphone không muốn mạo hiểm.

Thiết kế tràn đáy có thể trở thành xu hướng khi các nhà sản xuất đang nỗ lực giảm độ dày của viền smartphone nhất có thể.

Tại sao ít nhà sản xuất smartphone dám mạo hiểm với thiết kế?

Câu trả lời trước hết là về cắt giảm chi phí. Cạnh tranh trong lĩnh vực smartphone hết sức khốc liệt, trong khi đó mọi sự thay đổi liên quan đến thiết kết đều gắn kèm với chi phí.

Chẳng hạn, muốn giảm độ dày thân máy buộc phải giảm kích cỡ linh kiện, thay đổi vị trí đặt linh kiện, tính toán giải pháp tản nhiệt mới. Muốn viền trên, dưới mỏng phải nghiên cứu vị trí đặt các linh kiện như các cảm biến, cổng... Tất cả đều làm tăng chi phí. Samsung khi giới thiệu màn hình tràn hai cạnh trên Galaxy S8 đã thiết lập một mặt bằng giá flagship Samsung mới. Nhưng mạnh tay tăng giá phải là Apple khi lần đầu giới thiệu iPhone X tai thỏ giá 1.000 USD.

Không phải là smartphone tai thỏ đầu tiên, nhưng iPhone X trở thành người dẫn đầu bởi nó là chiếc điện thoại đầu tiên cho người dùng có cảm giác được sử dụng toàn màn hình tối đa nhất có thể. Đổi lại, người dùng iPhone X phải trả một cái giá không hề dễ chịu chút nào, mà nguyên nhân do Apple phải sử dụng màn hình đắt đỏ hơn để làm ra iPhone X tai thỏ.

Một lý do khác nữa là về năng lực và ý chí của nhà sản xuất. Như trường hợp tai thỏ, nhiều nhà sản xuất Android đã học theo Apple ra mắt smartphone tai thỏ nhưng vẫn không thể đạt được viền dưới mỏng như iPhone X. Ngay cả smartphone đã đưa camera thành một cụm hoạt động độc lập như "anh em" Vivo Nex và Oppo Find X thì viền trên và dưới đều vẫn dày.

Trong bối cảnh người dùng "lười" thay đổi smartphone, giá smartphone ngày càng rẻ đi thì việc các nhà sản xuất đổi mới thiết kế kèm tăng giá như Apple hay Samsung là một rủi ro lớn. Chưa rõ thiết kế thay đổi như thế nào nhưng triển vọng smartphone khó bán do giá cao là thấy trước mắt. Một trường hợp đã được chứng minh trong thực tế đó là Oppo Find X với giá bán từ 20 triệu đồng với thiết kế camera thò thụt độc lạ ra mắt tháng Bảy đến nay chưa bao giờ lọt vào top các smartphone đắt tiền bán chạy ở Trung Quốc hay bất kỳ thị trường nào.

Với Bphone, sự sáng tạo trong thiết kế smartphone chưa chết, chỉ là vấn đề thời gian

Trong khi các nhà sản xuất smartphone khiến cho người dùng ngán ngẩm vì năm nào cũng cho ra các mẫu smartphone na ná giống nhau, thậm chí giống hệt thế hệ trước ngoại trừ sự nâng cấp phần cứng thì nhà sản xuất smartphone Việt Nam lại ngược lại. Ba thế hệ Bphone khác nhau hoàn toàn, và đáng nói là thiết kế Bphone dù thay đổi thế nào cũng đều được đánh giá là đẹp, trau chuốt và không lẫn vào đâu được.

Trong một trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm CEO Bkav cho biết Bkav hoàn toàn có thể tạo ra được những thiết kế smartphone khác biệt, dẫn dắt thị trường vào những thời điểm thích hợp. Dường như, thời điểm đã đến khi trên sân khấu giới thiệu Bphone 3 ngày 10/10, ông Nguyễn Tử Quảng tuyên bố: Bphone 3 là chiếc smartphone Android đầu tiên trên thế giới có thiết kế ''tràn đáy''. Bkav tin tưởng thiết kế tràn đáy sẽ là xu hướng trên điện thoại Android.

Vấn đề là tại sao Bkav lại dám mạo hiểm như vậy? Khi mà Bphone không được phép tăng chi phí sản xuất, nghĩa là tăng giá bán (thực tế giá Bphone 3 đã được nhiều người tiêu dùng nồng nhiệt chào đón hơn hai thế hệ trước), Bkav chỉ có một cách duy nhất là dựa vào năng lực của chính mình. Bên cạnh đó, thiết kế tràn đáy rất có triển vọng bởi lẽ các nhà sản xuất smartphone đang tìm mọi cách để giảm tối đa các cạnh viền smartphone nhất có thể, còn gọi là cuộc đua không viền.

Tại lễ ra mắt Bphone 3, ông Nguyễn Tử Quảng đề cập đến thách thức của màn hình tràn đáy là khi màn hình khả dụng đã gần chạm đến ăng ten. "Đây là thách thức lớn đối với đội ngũ thiết kế ăng ten", ông Quảng nói.

Ai thành thạo trong lĩnh vực smartphone cũng đều hiểu khu vực dành cho ăng ten là rất nhạy cảm, nếu bố trí không khéo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bắt sóng của chiếc điện thoại, nói cách khác là có thể biến chiếc điện thoại thành cục gạch. Đến cả Apple đã từng vướng scandal ăng ten với sản phẩm iPhone 4 năm 2010, sóng di động tụt mạnh, thậm chí mất sóng khi người dùng cầm nắm ở phía dưới máy.

Bphone đời đầu tiên cũng gặp vấn đề về sóng, nhưng sau đến Bphone 2 đã được cải thiện rõ rệt. Ở thế hệ thứ nhất, Bkav mua cụm ăng ten của nhà cung cấp, nhưng với mỗi lần thay đổi, điều chỉnh về mạch và cơ khí, tiến độ đều bị chậm do phụ thuộc vào nhà cung cấp. Vì vậy, từ Bphone 2, các kỹ sư Bkav đã quyết định tự thiết kế ăng ten. Khi đó, kỹ sư cấp cao của Qualcomm tham gia đánh giá chất lượng điện thoại của Bkav về khả năng thu phát sóng, tốc độ truyền nhận dữ liệu cho biết họ đã rất ấn tượng với thiết kế ăng-ten của Bphone 2. Cũng nhờ sự chủ động, nắm chắc công nghệ lõi nên thách thức màn hình tràn đáy trên Bphone 3 đã được Bkav giải quyết tốt.

Đánh giá về năng lực công nghệ của Bkav, lãnh đạo Qualcomm Việt Nam cho rằng cách làm việc của Bkav giống như cách làm việc của các công ty hàng đầu khác trên thế giới mà Qualcomm đã làm việc. Theo dõi các kỹ sư Bkav trình diễn các tính năng của Bphone 3, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào, Campuchia, nói: "Có thể nói là tôi rất kinh ngạc khi Việt Nam không chỉ gia nhập cuộc chơi smartphone mà còn đưa ra những thiết kế sáng tạo, đột phá và có thể sánh ngang với các thương hiệu hàng đầu khác trên thế giới". Phát biểu của ông Thiều Phương Nam tại lễ ra mắt Bphone 3 ngày 10/10 vừa qua đã nhận được tràng vỗ tay hưởng ứng không dứt.

Nhưng ít ai biết rằng, chính Qualcomm cách đây gần chục năm, chính xác là năm 2009, đã từ chối làm việc với Bkav vì không tin Bkav có thể tự thiết kế smartphone mà không sử dụng các mô hình sản xuất máy có sẵn. Phải mất 4 năm sau đó, chỉ đến khi Bkav mang bo mạch họ tự thiết kế sang Qualcomm Việt Nam, tiếp tục nhờ hỗ trợ, Qualcomm mới đồng ý làm việc với BKAV để chuẩn bị cho sự ra đời của chiếc điện thoại Bphone đầu tiên.

Vậy là, cuối cùng nhà sản xuất Việt Nam đã đưa ra được một thiết kế có thể trở thành một xu hướng gọi là smartphone "tràn đáy" như Samsung và Apple đã làm. Để đạt được điều này, rõ ràng điều kiện tiên quyết là phải có năng lực về công nghệ, làm chủ công nghệ lõi chứ không đơn giản là câu chuyện bỏ tiền mua bản quyền công nghệ.

Mất 10 năm để nghiên cứu và phát triển smartphone cùng số tiền đầu tư đến nay lên đến gần một ngàn tỉ đồng, với Bphone 3, Bkav đã thực hiện được điều mà nhiều người mong chờ: một chiếc smartphone do người Việt Nam thiết kế, chế tạo, dành cho người tiêu dùng Việt và có thể trở thành một xu hướng mới trên thị trường smartphone.

Theo: vnreview.vn 

 

Bphone đang có sức hút lạ lùng trong làng smartphone Việt

(Techz.vn) Bphone đã làm cho giới truyền thông tốn không ít giấy mực kể từ khi xuất hiện cách đây 4 năm. Cơn sốt đó chưa bao giờ dừng lại khi Bphone trở thành cái tên hot nhất làng công nghệ Việt. Sức hút lạ lùng của chiếc điện thoại đang ở đâu để người dùng phải móc hầu bao?