Doanh nhân

Vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng giành lại 'ngôi vương' sàn chứng khoán, 2 ngày 'bỏ túi' 18.000 tỷ đồng

Ngay ngày đầu tháng 8/2023, thị trường chứng khoán đóng cửa phiên với nhiều điều chỉnh đáng chú ý vào cuối ngày. Với 156 mã tăng nhưng có 310 mã giảm đồng nghĩa với việc VN-Index đánh mất 5,34 điểm tương ứng 0,44% còn 1.217,56 điểm.

Tuy nhiên, thị trường ghi nhận điểm sáng khi cổ phiếu VIC của Vingroup tăng trần lên 58.900 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh cao, lên tới 12,26 triệu đơn vị. Trước giờ đóng cửa phiên, mã này còn dư mua giá trần 2,15 triệu cổ phiếu, hoàn toàn trắng lệnh bán.

Như vậy, cổ phiếu VIC tăng đã đóng góp cho VN-Index tới 3,7 điểm; đồng nghĩa với việc VN-Index đã đánh mất tới 9 điểm ở phiên hôm qua nếu không có VIC (VIC đứng giá tham chiếu).

Được biết trong vòng hơn 1 năm qua, cổ phiếu của các phiên giao dịch bình quân chưa tới 2 triệu cổ phiếu/phiên. Trước khi có bước đột phá tăng gấp hơn 5 lần trong 2 phiên gần đây, khối lượng giao dịch tại VIC cũng loanh quanh 3-4 triệu đơn vị.

Sự đột phá của VIC được xem là vô cùng hiếm hoi. Trước thời điểm từ đầu năm đến 28/7, VIC vẫn giảm 4,28% (thị giá thấp hơn đầu năm 2.300 đồng) trong khi VN-Index đã hồi phục rất mạnh, từ vùng giá 1.007 điểm tăng lên 1.207,67 điểm (tăng 200 điểm). Thế nhưng chỉ trong hai ngày vừa qua, VIC đã tăng trần liên tiếp 2 phiên, biên độ tăng xấp xỉ 14% (tăng 7.400 đồng/cổ phiếu).

Nhờ mức tăng thần tốc của 2 phiên vừa qua mà thị giá của VIC từ giảm đã ghi nhận sự tăng trưởng, tăng 9,48% so với đầu năm. Điều này đồng nghĩa với việc vốn hóa thị trường của tập đoàn Vingroup trên sàn chứng khoán cũng tăng mạnh 28.223 tỷ đồng lên 224.641 tỷ đồng.

Như vậy, tổng giá trị tài sản của các cổ đông Vingroup nói chung và của gia đình ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup - nói riêng cũng tăng trưởng một cách đáng kể. 

Theo báo cáo quản trị công ty của Vingroup, vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng đều đang nắm giữ số lượng cổ phiếu cực kỳ lớn. Cụ thể, ông Vượng hiện sở hữu 691,27 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,87% vốn điều lệ tập đoàn. Còn vợ ông, bà Phạm Thu Hương, cũng là Phó chủ tịch HĐQT,  nắm giữ tỷ lệ 4,39% tương đương 169,94 triệu cổ phiếu.

Cụ thể, với hai phiên tăng trần liên tiếp, biên độ tăng 14% thì tài sản của vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng tăng thêm khoảng 6.400 tỷ đồng chỉ trong 2 ngày qua.

Ngoài ra, ông Vượng còn sở hữu cổ phiếu VIC gián tiếp thông qua các tổ chức như Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam cũng đang sở hữu 1,26 tỷ cổ phiếu VIC (chiếm tỷ lệ 32,57%), Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư bất động sản VMI sở hữu 243,5 triệu cổ phiếu VIC (chiếm tỷ lệ 6,29%) và Công ty cổ phần Di chuyển xanh và Thông minh GSM sở hữu 50,8 triệu cổ phiếu VIC (chiếm tỷ lệ 1,31%).

Nếu tính gộp toàn bộ số cổ phiếu mà ông Vượng sở hữu gián tiếp thông qua các tổ chức liên quan trên thì nhóm cổ đông này đang nắm giữ hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC, giá trị tài sản tăng thêm sau 2 ngày là 17.875 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của Forbes - tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ, nhờ sự đột biến của cổ phiếu mà giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng chỉ riêng hôm qua tăng thêm 276 triệu USD, hiện đạt mức 4,7 tỷ USD.

Như vậy, “vua thép” Trần Đình Long tiếp tục “ngậm ngùi” lui xuống ở vị trí thứ hai với khối tài sản là 2,3 tỷ USD. Ông Vượng vẫn đang là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản cách biệt so với những vị trí xếp sau. 

 

Năm sinh của ông Phạm Nhật Vượng có gì đặc biệt: Nghiên cứu mới thấy quá đúng với đường đời tỷ phú

Sinh vào đúng năm đất nước Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ông Phạm Nhật Vượng chứng minh mình là người có bản lĩnh, gan dạ, có một sự nghiệp lừng lẫy.