Mạng điện thoại cố định từng là chủ lực của VNPT, nhưng khi viễn thông các tỉnh không còn doanh thu trên mạng cố định, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn và khoản lỗ lớn hàng năm.
- Những tuyệt chiêu cần biết khi mua điện thoại cũ
- Những sản phẩm công nghệ có thể bị smartphone tiêu diệt
- Những thứ 'rút tiền' của người mua điện thoại
VNPT và Viettel cùng nằm trong nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ điện thoại nội hạt do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định. Nhưng với dịch vụ điện thoại cố định đường dài trong nước nói riêng, VNPT là doanh nghiệp duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường. Dù vậy, dịch vụ này đang trở thành gánh nặng mỗi ngày của doanh nghiệp.
Điện thoại cố định đang là gánh nặng của VNPT. Ảnh minh họa |
Ông Vũ Tiến Dương, Phó Ban Kinh doanh của VNPT cho biết, ở thời điểm cực thịnh, đơn vị có tới 13 triệu thuê bao điện thoại cố định. Vài năm trở lại đây, điện thoại di động phát triển chóng mặt khiến điện thoại cố định có lượng thuê bao rời mạng ngày càng cao.
Các thuê bao trung thành với mạng cố định chỉ sử dụng dịch vụ cầm chừng, chủ yếu mang tính dự phòng trong hộ gia đình, hoặc cơ quan, công sở. "Trung bình mỗi năm mạng điện thoại cố định giảm khoảng 25%. Hiện VNPT chỉ còn khoảng hơn 5 triệu thuê bao cố định và chưa thể dự báo được sẽ giảm tiếp đến mức độ nào", ông Dương nói.
Chưa dừng lại ở đó, phía VNPT cho biết doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao điện thoại cố định đang lao dốc. Năm ngoái, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao của VNPT đạt khoảng 40.000 đồng một tháng. Ông Dương cho hay, hiện doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao điện thoại cố định chỉ còn có 33.000 đồng. Số tiền này đã bao gồm 20.000 đồng tiền thuê bao hàng tháng.
Theo tính toán của VNPT năm ngoái, bình quân mỗi phút gọi nội hạt có giá thành là 650 đồng, trong khi họ đang phải bán cho khách hàng là 400 đồng, tương đương mỗi phút gọi nội hạt VNPT phải bù lỗ 250 đồng. Tiền lỗ vẫn chưa có con số cụ thể, nhưng theo ước tính của ông Dương, có thể doanh nghiệp đang phải gánh cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ khách hàng ở khu vực thành thị cắt máy điện thoại cố định mà cả những vùng sâu, vùng xa và nông thôn cũng bỏ máy rất nhiều. Trên thực tế, một số ít khách hàng ở nông thôn có nhu cầu về điện thoại cố định nhưng VNPT khó đáp ứng do tiền thu từ các thuê bao này không đủ trả tiền thuê cột treo cáp của Điện lực. Với giá treo cáp mỗi cột để cung cấp dịch vụ điện thoại cố định tới nhà khách hàng khoảng 20.000 đồng một tháng, thì tại những nơi có ít thuê bao số tiền lỗ sẽ rất lớn.
"Với tình hình như hiện nay khi khách hàng ở một số vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa muốn sử dụng dịch vụ điện thoại cố định thì VNPT đành phải mời dùng dịch vụ khác thay thế", ông Dương cho biết.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định nâng cước kết nối cuộc gọi từ mạng di động đến mạng cố định nội hạt từ 270 đồng lên 415 đồng một phút nhằm cứu điện thoại cố định từ 1/10/2011. Nhưng VNPT cho rằng ngay cả khi nâng cước kết nối cuộc gọi từ mạng di động đến mạng cố định như vậy cũng không nuôi sống được mạng cố định.
"Thực tế có quá ít thuê bao di động gọi vào điện thoại cố định nên việc nâng cước kết nối vẫn không đủ để giảm khó khăn cho mạng cố định", Phó ban Kinh doanh của VNPT chia sẻ.